Các tỉnh, thành đề xuất gói hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà chưa sát thực tế

(PLO)-  Bộ LĐ-TB&XH cho biết các địa phương báo cáo nhu cầu người lao động cần hỗ trợ tiền thuê nhà lên tới 6.600 tỉ đồng nhưng chi thực tế chỉ hơn 3.600 tỉ đồng…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ LĐ-TB&XH vừa báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư công tác giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo đó, Bộ này cho biết hiện có trên 5,2 triệu người lao động đề nghị nhận gói hỗ trợ trên với tổng kinh phí là 3.600 tỉ đồng. Số tiền này chỉ hơn 50% dự kiến ban đầu của các tỉnh, thành là 6.600 tỉ đồng.

Đến ngày 31-8, các tỉnh, thành mới chi tiền cho trên 4,2 triệu người lao động, với kinh phí hơn 2.710 tỉ đồng, chiếm 87,12%. Các hồ sơ đề nghị hỗ trợ còn lại vẫn đang trong quá trình phê duyệt danh sách để chi tiền.

Nhiều người lao động chỉ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà một tháng thay vì ba tháng như quy định. Ảnh: V.LONG

Nhiều người lao động chỉ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà một tháng thay vì ba tháng như quy định. Ảnh: V.LONG

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nguyên nhân việc xây dựng gói hỗ trợ chưa sát với thực tế là do một số địa phương thống kê cả lao động không có quan hệ lao động, trong đó dự kiến số lao động này quay trở lại thị trường lao động nhiều. Phí hỗ trợ cho người lao động dự kiến tính đủ 3 tháng tiền thuê nhà, nhưng nhiều người lao động chỉ thuê nhà và xin đề nghị hỗ trợ theo số tháng thực tế thuê nhà là một đến hai tháng.

Ngoài ra, vừa qua, các tỉnh, thành triển khai gói hỗ trợ thuê nhà còn chậm do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao. Đặc biệt, có địa phương còn “đẻ” thêm các thủ tục gây khó khăn cho người lao động.

Cạnh đó một số chủ doanh nghiệp sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên chưa chủ động tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú.

Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách.

Trước tình hình trên, từ tháng 5 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức nhiều đoàn công tác đến làm việc tại một số tỉnh, thành như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An… để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đôn đốc triển khai thực hiện chính sách.

“Hiện bộ vẫn đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương tiến hành kiểm tra, tổng kết kết quả thực hiện và báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm