Tôn vinh những người hợp sức xây tượng Phật dài 49m trên núi Tà Cú

(PLO)- Tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49m trên núi Tà Cú được xây dựng trong 4 năm do điêu khắc sư Trương Đình Ý chủ trì với hàng ngàn người hợp sức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-8, bà Lê Thị Bích Liên, Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, đã chỉ đạo UBND huyện phối hợp với TTC Tà Cú làm bảng tôn vinh điêu khắc sư Trương Đình Ý cùng cộng sự đã xây dựng tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 49m trên núi Tà Cú.

Tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn trên núi Tà Cú. Ảnh HAH

Tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn trên núi Tà Cú. Ảnh HAH

Bà Liên cho biết, nguyện vọng của gia đình điêu khắc sư Trương Đình Ý là chính đáng, hợp lý. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Vĩnh Qúi, con trai điêu khắc sư Trương Đình Ý hiện đang định cư tại Rheinfelden, Thụy Sỹ cho biết, gia đình rất vui mừng về thông tin này.

Theo ông Qúy, gia đình ông sẽ tiếp tục gởi về các hình ảnh, video clip về công trình để đời của cha ông trên núi Tà Cú này.

Như đã đưa, ông Trương Đình Ý là một trong 10 sinh viên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường Mỹ thuật Đông Dương 1935. Bàn tay tài hoa của ông được làng điêu khắc trong và ngoài nước đánh giá rất cao, đặc biệt là chuyên về Phật Tượng. Ông từng là giáo sư hội họa các trường Võ Tánh, Quy Nhơn (1940), Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn (1950); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1958); giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1956-1957; 1961-1962).

Đầu năm 1962, ông Trương Đình Ý bất ngờ xin nghỉ dạy, xuống tóc, mặc áo lam để lên núi Tà Cú xây dựng tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn theo lời mời của sư trụ trì, Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ. Trước đó chùa Linh Sơn Trường Thọ (được vua Tự Đức sắc phong năm 1880) đã cử nhiều đoàn đi từ Quảng Trị đến tận mũi Cà Mau để kêu gọi phật tử đóng góp thực hiện công trình này.

Để làm được công trình đồ sộ này, hàng ngàn người đã phải vác từng viên đá, gánh từng bao xi măng từ chân núi lên kéo dài đến hơn 4 năm. Từ 1963 – 1966, ông Trương Đình Ý ở luôn trên núi, làm không công để xây dựng công trình này.

Công trình đồ sộ này xây dựng hơn 4 năm với sự góp sức của hàng ngàn người. Ảnh HAH

Công trình đồ sộ này xây dựng hơn 4 năm với sự góp sức của hàng ngàn người. Ảnh HAH

Được biết tượng Phật dài 49m là tượng trưng 49 năm, tính từ khi Đức Thích Ca thành đạo đến nhập diệt. Ngày 7/1/1993, cụm chùa và tượng Phật trên núi Tà Cú được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di sản lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 2/1/2006, tượng Phật Thích Ca dài 49m trên núi Tà Cú được tổ chức Kỷ lục Việt Nam / Vietkings xác nhận là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.

Từ trái qua: Ông Trương Đình Ý và Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ tại cụm tượng Tam thế chí. Ảnh TQ
Từ trái qua: Ông Trương Đình Ý và Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ tại cụm tượng Tam thế chí. Ảnh TQ

Tháng 5-2013, tượng Phật này được trao bằng xác lập kỷ lục “Tượng Phật nằm trên đỉnh núi dài nhất châu Á”. Ngoài công trình đồ sộ tạo nên sự khác biệt của núi Tà Cú, điêu khắc sư Trương Đình Ý cũng là tác giả điêu khắc 3 pho tượng A Di Đà, Quan Âm và Đại Thế Chí trên núi Tà Cú, nằm cách tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn không xa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm