Theo báo cáo vừa được đoàn khảo sát của HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra, trên địa bàn tỉnh đang có 191 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa. Trong đó có đến 119 trường hợp đầu tư phân lô, tách thửa không phép. Tại kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra từ ngày 16 đến 18-7, vấn đề phân lô, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp được đem ra mổ xẻ ở nhiều góc độ nhằm tìm ra giải pháp xử lý triệt để nhất.
Tách thửa sai phép gia tăng, phức tạp
Theo HĐND tỉnh, tình trạng san lấp mặt bằng, thay đổi hiện trạng đất, phân lô, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại các địa phương diễn biến hết sức phức tạp; tăng cả về số lượng và mức độ công khai.
Có thể lấy ví dụ điển hình tại thị xã Phú Mỹ. Nếu thời điểm tháng 12-2018 chỉ ghi nhận có 20 trường hợp sử dụng đất sai mục đích, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan nhà nước cho phép thì đến tháng 6-2019 đã có đến 113 trường hợp vi phạm.
Nhiều trường hợp tại các xã, phường của thị xã Phú Mỹ và phường 12 của TP Vũng Tàu, khi đoàn công tác địa phương xuống khảo sát, chủ công trình vẫn tiến hành san gạt và xây dựng trên đất nông nghiệp bình thường. Trong khi đó, việc rao bán đất nền tại các khu vực này diễn ra rất công khai.
Bên cạnh những trường hợp không phép thì cũng có trường hợp đã được địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư, đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn chưa chuyển mục đích sử dụng đất, cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiệm thu công trình. Lại có trường hợp đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo các điều kiện, chất lượng công trình không theo quy chuẩn đã đưa vào sử dụng...
Một số cá nhân, tổ chức cố tình làm sai quy định của Nhà nước, tự ý làm đường trên đất nông nghiệp để phân lô hoặc lợi dụng sự thiếu chặt chẽ tại Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND quy định về việc tách thửa trên địa bàn để lách luật, thực hiện tách thửa để trục lợi.
Một “dự án” không phép tại thị xã Phú Mỹ đang bị cưỡng chế. Ảnh: TK
Quy định tách thửa có nhiều thiếu sót
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thẳng thắn thừa nhận trong thời gian thị trường bất động sản địa phương đang nóng nên nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp để thực hiện phân lô, tách thửa, làm đường giao thông trái phép. Sau đó, các đơn vị này đã rao bán đất dưới hình thức các dự án.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đất đai và quản lý xây dựng; không báo cáo kịp thời và có phương án xử lý triệt để, dẫn đến không khắc phục kịp thời các sai phạm và nhiều trường hợp tái phạm với quy mô lớn.
Quyết định số 23/2017 quy định về tách thửa trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại. Đơn cử như chưa quy định quy mô diện tích tách thửa phải thực hiện lập dự án đầu tư; chưa quy định yếu tố quy hoạch khi tách thửa đất nông nghiệp. Cộng thêm việc không có sự liên thông chặt chẽ giữa Sở TN&MT, Sở Xây dựng và chính quyền địa phương trong việc quản lý việc tách thửa, sử dụng đất sau khi tách thửa, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đầu tư kết nối với đường giao thông… nên địa phương không có căn cứ giải quyết các trường hợp đề nghị hình thành đường giao thông khi tách thửa.
Để chấn chỉnh, ông Quốc cho biết tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý sử dụng đất, quản lý quy hoạch, xây dựng tại địa phương.
Địa phương rà soát lại toàn bộ trường hợp đã phân lô, tách thửa có hình thành đường giao thông. Yêu cầu Sở Xây dựng ban hành hướng dẫn chi tiết việc làm đường, thi công hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ với đường giao thông hiện hữu, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đúng quy định.
Khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo quy định thay thế Quyết định số 23. Trong đó, phân định rõ mục đích việc cho phép tách thửa đất là để phục vụ dân sinh, không phải vì mục đích thương mại. Đồng thời, việc tách thửa phải đáp ứng đủ các điều kiện như phù hợp quy hoạch, thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định…
Trong quý III-2019, Sở TN&MT xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, đo đạc, phân lô, tách thửa tại các địa phương, tập trung các điểm nóng như thị xã Phú Mỹ, các huyện Long Điền, Châu Đức, Xuyên Mộc… Ngoài ra, chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống văn phòng đăng ký đất đai, trong đó có công tác nhân sự tham mưu giải quyết hồ sơ đo đạc, trích đo phục vụ tách thửa tại các địa phương.
Chiều 16-7, Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết đã chỉ đạo cho Công an thị xã Phú Mỹ, Phòng Cảnh sát kinh tế rà soát lại toàn bộ “dự án” của Công ty CP Địa ốc Alibaba trên địa bàn tỉnh để tập hợp, có đánh giá chung về hoạt động của công ty này. Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, thông tin: Sau kỳ họp HĐND tỉnh, thị xã sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế phá dỡ phần đường xây dựng trái phép tại khu đất rộng hơn 24.000 m2 của ông Nguyễn Ngọc Sự tại thôn Tân Tiến, xã Châu Pha. Đây là khu đất Công ty Alibaba xây dựng văn phòng làm việc và làm đường nhánh, phân phối đất nền với tên dự án Alibaba Tân Thành Center City 1. |