Bà Rịa- Vũng Tàu: Khởi tố 45 vụ sử dụng công nghệ cao để phạm tội

(PLO)- Năm 2023, Công an tỉnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện 45 vụ, 70 đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

Ngày 1-2, Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban chỉ đạo 138) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo tổng kết công tác năm 2023.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong năm tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Cụ thể như: Tấn công chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo, Facebook để giả mạo người thân vay tiền; lừa đảo đặt tiệc nhà hàng qua điện thoại; ứng dụng công nghệ Deepfake giả cuộc gọi lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Ban chỉ đạo 138 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổng kết năm 2023. Ảnh: TK

Ngoài ra, các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã xuất hiện trước đây nhưng vẫn đang diễn biến phổ biến như giả danh cơ quan Nhà nước (công an, VKS, ngân hàng), sử dụng ứng dụng Telegram tuyển cộng tác viên bán hàng, đăng bài online, cộng tác viên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Shoppe, Lazada...), đầu tư tài chính (đầu tư chứng khoán, ngoại hối...) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một số đối tượng lợi dụng tính công khai của các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết với nội dung cho vay tiền thủ tục dễ dàng, giải ngân nhanh chóng để tiếp cận những người đang có nhu cầu vay tiền.

Các ứng dụng cho vay trực tuyến, tín dụng đen núp bóng các công ty hợp pháp cho vay với lãi suất cao, với nhiều loại phí dẫn đến mất khả năng trả nợ và các đối tượng đòi nợ, nhắn tin đe dọa khủng bố, xúc phạm danh dự nhân phẩm các cá nhân trên không gian mạng,…

Bà Rịa- Vũng Tàu đấu tranh, triệt phá nhiều vụ án về tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa: PLO

Về đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, năm 2023, công an tỉnh đã phát hiện 45 vụ, 70 đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

Trong đó: 31 vụ, 15 bị can sử dụng không gian mạng, phương tiện điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 7 vụ với 20 bị can đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng; 1 vụ với 9 bị can cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên không gian mạng; 1 vụ với 2 bị can mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng; 4 vụ với 4 bị can mua bán văn bằng chứng chỉ giả trên không gian mạng; 1 vụ với 1 bị can môi giới mại dâm.

Tang vật thu giữ là 33 Căn cước công dân, 18 GPLX các loại, 12 giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô, đăng ký xe gắn máy, giấy kiểm định, tem kiểm định ô tô đầu kéo, rơ moóc; 8 sổ đỏ, 18 bằng cấp, chứng chỉ, 33 tài liệu photo có con dấu, chữ ký của các công chứng viên phòng công chứng và của chủ tịch các xã, phường trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội cùng các loại giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức Nhà nước nghi vấn làm giả.

Cơ quan chức năng phát hiện, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 19 đối tượng, trong đó có 9 đối tượng về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân với tổng số tiền phạt là 50 triệu đồng.

5 đối tượng bị xử phạt về hành vi đánh bạc trên không gian mạng; 4 đối tượng về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật với tổng số tiền phạt là 25 triệu đồng; 1 đối tượng về hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới