Ba trẻ một nhà không giấy khai sinh

Câu chuyện không giấy khai sinh bắt đầu từ cái nghèo, từ việc trốn viện sau 3 lần sinh nở của mẹ chúng” - bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1958, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) - bà ngoại 3 đứa trẻ cho biết.

Chạy ăn từng bữa

Thấy tôi đến nhà, bé Đào Đăng Khôi (SN 2010) tíu tít nói: “Bà ngoại ơi, cô làm giấy khai sinh cho con đến nhà nè”. Gần đó, bé Đào Kim Tuệ (SN 2008, chị của Khôi) cũng chạy đến hỏi: “Khi nào tụi con được đến trường vậy?”. 

Tôi chưa kịp trả lời thì bé Đào Trâm Anh (SN 2004, chị của Tuệ và Khôi) ứa nước mắt: “Cô ơi, con bị người ta giật vé số làm gãy chân rồi. Hôm qua, bà ngoại mệt nên bán ế lắm, con xin cầm vé số bán riêng, đến gần nhà hàng thì bị 2 chú chạy phía sau giật rồi xô ngã”.

Vì mất hơn 100 tờ vé số nên mấy ngày nay, cả nhà bà Hoa chỉ ăn cơm với nước tương. Khi tôi đến, nhờ bán được ít ve chai nên mâm cơm có thêm mấy quả trứng và chút canh rau muống để tụi nhỏ dễ nuốt. 

“Mỗi ngày, đại lý trừ 100.000 đồng, khoảng 10 ngày là cấn hết nợ, phải chi bệnh đau tim của tôi đừng tái phát thì con bé không phải bán riêng” - bà Hoa chua xót.

Cuộc sống của 3 đứa trẻ thay đổi kể từ khi cha mẹ chúng chia tay hồi năm 2011 và tha phương cầu thực ở đâu không rõ, thỉnh thoảng có về thăm nhưng cũng không phụ giúp được gì. 

Ba năm nay, bà Hoa cùng các cháu chuyển từ quận Tân Bình về tá túc trong căn nhà do em chồng bà cho ở nhờ, nằm trong con hẻm thuộc tổ 19, ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Trong nhà còn có 2 con trai của bà Hoa: một người 19 tuổi làm công nhân và một người 22 tuổi bị trầm cảm.

Bà Nguyễn Thị Hoa và 3 đứa cháu ngoại không giấy khai sinh.
Bà Nguyễn Thị Hoa và 3 đứa cháu ngoại không giấy khai sinh.

Mỗi ngày, cứ 7h là 4 bà cháu ra khỏi nhà. Bà Hoa đi bộ đẩy xe đạp, Khôi ngồi chông chênh trên yên trước, Tuệ và Anh ngồi phía sau. Đến quán ăn, cả 3 nhảy xuống mời khách, khoảng từ 14-15h thì về nhà ăn uống, nghỉ ngơi đến 16h30 lại tiếp tục hành trình. Khi 4 bà cháu kết thúc công việc của mình thì đồng hồ cũng chỉ 23-24h. 

“Đội nắng, dầm mưa đã 3 năm nay nhưng tụi nhỏ vẫn chưa ngán, cứ nằng nặc đòi theo tôi kiếm ăn. Mấy bữa nay, bé Anh gãy chân, nhức nhối cả đêm không ngủ được, vậy mà vẫn xin đi theo để bán vé số” - bà Hoa kể.

“Tụi nhỏ khát chữ lắm rồi”

Vì sao đã chục năm rồi mà bà không làm giấy khai sinh cho các cháu? Câu hỏi của tôi như chạm đúng nỗi đau, bà Hoa ứa nước mắt: “Đó là mơ ước của tôi vì nếu có giấy khai sinh thì tụi nhỏ được đi học, đời sẽ bớt khổ”. 

Bà Hoa cho biết hồi năm 2004, Trâm Anh sinh ra ở Bệnh viện Tân Bình; gom góp được 2 triệu đồng, bà đưa con rể (cha của Trâm Anh) đóng viện phí nhưng anh ta xài hết. Vậy là nửa đêm, cả nhà phải lẻn ra khỏi bệnh viện.

Năm 2008, đến lượt bé Tuệ sinh ra ở Bệnh viện Hùng Vương, cũng với lý do tương tự, nửa đêm cả nhà bỏ trốn. “Thằng Khôi được sinh ra ở Bệnh viện Từ Dũ, gia cảnh khó khăn, ba nó lại bỏ đi, mẹ nó muốn cho người ta nuôi nhưng bệnh viện từ chối nên nửa đêm, thằng Khôi được nhét vào túi xách, đưa ra ngoài” - bà Hoa nhìn cháu ứa nước mắt.

Không có giấy xuất viện đồng nghĩa với việc không làm được khai sinh cho bọn trẻ khiến cả ba đều không được đi học. Đã 10 tuổi nhưng Trâm Anh chỉ biết đọc bập bẹ nhờ theo học ở một lớp học tình thương. Xót cháu, nhiều lần bà Hoa đến bệnh viện và UBND phường 15, quận Tân Bình - nơi đăng ký hộ khẩu - để làm giấy khai sinh nhưng đều trở về trong thất vọng. 

“Đến bệnh viện, họ bày về địa phương xin giấy xác nhận khó khăn để được giảm viện phí. Về UBND phường thì bị từ chối với lý do tôi đi lâu quá nên không xác nhận” - bà Hoa buồn bã.

Loay hoay giữa tiền và tờ giấy chứng nhận khó khăn nên nhiều năm nay, số phận 3 đứa trẻ cứ long đong. “Tụi nhỏ khát chữ lắm rồi, 2 đứa lớn học lớp tình thương được 1 năm thì rất thích, tối nào cũng lấy sách ra tập đọc, tập viết; còn thằng nhỏ cứ theo hỏi khi nào con được đi học” - bà Hoa cho biết.

Theo Thu Hồng (Người Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm