Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo những nội dung gì của bản án tử hình?

(PLO)- Trong đơn kháng cáo bản án sơ thẩm giai đoạn 1, bà Trương Mỹ Lan mong được xem xét thấu đáo và có đường lối xử lý phù hợp để nhận được sự công bằng, khách quan. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự kiến từ ngày 4-11 đến ngày 25-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát về các tội: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Phiên xét xử phúc thẩm sẽ xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác cùng bị hại là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

truong-my-lan-scb-2365.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trước đó, ngày 11-4-2024, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. 85 bị cáo còn lại bị phạt mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân về một hoặc các tội danh trên.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17-10-2022, tương đương số tiền là 673.800 tỉ đồng.

Sau khi nghe phán quyết với mức án tử hình, bà Trương Mỹ Lan đã có đơn kháng cáo dài 6 trang để kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.

Theo bà Lan, bản án sơ thẩm tuyên mức án tử hình đối với một người phụ nữ như bà là quá nặng nề và nghiêm khắc.

Trong đơn kháng cáo, bà Lan đã trình bày lại quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Từ năm 1975, bà Kha Yêu (mẹ bà Trương Mỹ Lan) là tiểu thương tại chợ Bến Thành, quận 1 kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng. Sau đó chuyển từ mô hình kinh doanh sang trung tâm thiết bị vật tư du lịch với nhiều cửa hàng vàng, bạc, đá quý… và từ năm 1992 đến nay là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Gia tộc của bà đã tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, xây dựng bệnh viện và có nhiều đóng góp trong đợt dịch COVID-19.

Bà Lan trình bày, bà đã cùng các cổ đông, người thân và bạn bè giúp Ngân hàng SCB tái cấu trúc kịp thời nhằm ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính quốc gia.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho rằng SCB là ngân hàng thương mại cổ phần với hàng nghìn cổ đông, khách hàng, không phải công ty trách nhiệm hữu hạn mà quy buộc cá nhân bà phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Dù trong hoàn cảnh nào, suốt quá trình điều tra cho đến khi xét xử sơ thẩm, bà Lan luôn thể hiện sự tự nguyện mang hết tài sản và tích cực phối hợp cùng SCB để khắc phục hậu quả.

Trong đơn kháng cáo, bà Lan kính mong HĐXX và các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thấu đáo và có đường lối xử lý phù hợp để bà nhận được sự công bằng, khách quan đảm bảo tinh thần nhân đạo của pháp luật.

van-thinh-phat-6998.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo bản án sơ thẩm, sau khi biết ba ngân hàng, gồm: SCB, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất mất khả năng thanh khoản buộc phải hợp nhất hoặc mua lại, bị cáo Trương Mỹ Lan đã nhờ nhiều người thân tín, bạn bè đứng ra mua một lượng lớn cổ phần và gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng này.

Từ đó, bà Lan có quyền chi phối và trở thành người quyết định cao nhất tại ngân hàng SCB và chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo SCB rút tiền ra khỏi ngân hàng này để phục vụ mục đích của mình gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém cùng hàng loạt các sai phạm trong hoạt động cấp tín dụng của SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) bốn lần trực tiếp đưa tổng cộng 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn.

Ngoài bản án tử hình, bà Trương Mỹ Lan cùng 33 đồng phạm vừa bị xét xử sơ thẩm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.

Ngày 17-10, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và rửa tiền. 33 bị cáo còn lại từ 2-23 năm tù về một hoặc các tội danh trên. Buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn cho 35.824 bị hại hơn 30.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm