Chiều 4-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên toà xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.
Lời khai ban đầu, bị cáo Lan khẳng định bản thân không kháng cáo kêu oan mà xin cấp phúc thẩm xem xét lại hành vi phạm tội, bối cảnh phạm tội... Trình bày bị cáo nói về quá trình hình thành gia tộc của mình, quá trình tham gia vào tái cấu trúc ngân hàng SCB và những việc làm đã giúp cho xã hội, cho người dân.
Về hành vi, bị cáo Lan khẳng định bản thân chưa bao giờ có chữ ký nào vay vốn tại ngân hàng SCB, chưa bao giờ chỉ đạo bất cứ người nào tại ngân hàng SCB, chưa bao giờ nhân danh VTP giao dịch, hay đưa tham gia vào tái cấu trúc SCB nên HĐXX xem xét lại vị trí, vai trò của mình tại SCB.
“Trước khi sáp nhập ba ngân hàng tài sản của gia đình bị cáo rất nhiều như: tòa nhà An Đông, tòa nhà Windsor Plaza, tòa nhà Sherwood Residence… Khi bị cáo nhận lời tham gia vào quá trình tái cấu trúc ngân hàng SCB thì ngân hàng rất khó khăn, suốt khoảng thời gian này lúc nào bị cáo cũng nghĩ đến kiếm nguồn tiền, đưa tài sản của gia đình vào để giúp SCB”- bị cáo Lan nói.
Nói về nguồn gốc hình thành khối tài sản, bị cáo Lan khai trước ngày giải phóng gia tộc là tiểu thương chợ Bến Thành. Sau năm 1975 thì gia đình bị cáo lựa chọn ở Việt Nam để lập nghiệp. Gia đình chủ yếu kinh doanh vải, mỹ phẩm khắp cả nước rồi dần dần sau này Nhà nước cho phép nền kinh tế tư nhân thì gia đình thành lập Công ty tư nhân VTP rồi tập đoàn VTP như hiện nay. Thời điểm đó bất động sản còn rẻ, nên gia đình bị cáo sử dụng vàng mà mẹ bị cáo tích góp để mua và tạo lập nên khối tài sản này.
Bị cáo Lan cũng xin giữ lại danh tiếng cho tập đoàn VTP để các đối tác nhìn vào sau này còn hợp tác với tập đoàn.
Trình bày thêm, bị cáo Lan xin nhận lại các tài sản như: Biệt thự cổ tại số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, đây là căn nhà cổ mà mẹ bị cáo mua tặng cho con gái; tòa nhà tại địa chỉ 19-25 đường Nguyễn Huệ (trụ sở SCB) có nguồn gốc là từ mẹ của mình mua từ lúc đường Nguyễn Huệ còn có con kênh; tài sản tại số 21 đường Trần Cao Vân; số 24 đường Lê Lợi; 2 du thuyền; ô tô….cùng một số tài sản khác bị cáo sẽ cung cấp đầy đủ danh sách cho HĐXX.
Theo bản án sơ thẩm, dù bị cáo Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bị cáo này gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên bị cáo Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này và trở thành người quyết định cao nhất tại ngân hàng SCB.
Lợi dụng vai trò là cổ đông gần như tuyệt đối của SCB, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo SCB như: Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn… rút tiền ra khỏi SCB để phục vụ mục đích của mình. Điều này gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Từ đó, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. 85 bị cáo còn lại bị phạt mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân về một hoặc các tội danh trên.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17-10-2022, tương đương số tiền là 673.800 tỉ đồng.