Bác chọn cán bộ trước hết phải vì dân, vì nước

Bác Hồ từng nói “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém mà nên”, cho nên nghệ thuật dùng người của Bác là bài học rất lớn để chúng ta học tập, thực hiện thường xuyên trong công tác cán bộ.

Trọng dụng người tài, không xét thân quen

Còn nhớ, ngay lúc Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Bác mời được rất nhiều nhân sĩ trí thức, kể cả người ngoài Đảng ra làm việc và những người này đều làm được việc. Ví dụ như Bác mời cụ Bùi Bằng Đoàn (Thượng thư Bộ hình nhà Nguyễn) ra làm cố vấn Chủ tịch nước, sau này cụ được bầu làm trưởng Ban thường trực Quốc hội khóa đầu tiên và đóng góp nhiều cho sự nghiệp cách mạng.

Tiêu chuẩn mà Bác nhìn người, trước hết người đó phải toàn tâm toàn ý vì dân vì nước. Nếu vì một động cơ cá nhân, gia đình, họ hàng, bà con... thì Bác không tính đến. Tư tưởng của Bác là cán bộ phải hết lòng, hết sức trước hết là cho Tổ quốc, sau đó mới đến cho dân, cho Đảng.

Với Bác, không chỉ là đảng viên mà người ngoài Đảng nếu đủ phẩm hạnh, tài giỏi, Người vẫn trọng dụng, như trường hợp Bác mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (một trong những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân, từng là viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ) tham gia chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi thành lập. Năm 1946, lúc Bác Hồ có việc sang Pháp, lẽ thường theo suy nghĩ của nhiều người thì Bác có thể giao quyền chủ tịch nước cho một ủy viên Bộ Chính trị nào đó nhưng Bác lại giao quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng - một người ngoài Đảng mới tham gia vào bộ máy. Điều này cho thấy nét đặc biệt trong cách dùng người của Bác.

Sau này trong thư gửi vĩnh biệt cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bác viết: “Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chính phủ ta mời cụ ra. Tuy đã 71 tuổi nhưng cụ vẫn hăng hái nhận lời, cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ quốc””.

Khi đã có tiêu chuẩn vì dân vì nước, Bác mới xét đến đạo đức, tư cách của cán bộ. Người đó làm việc có xứng tầm không, hay vì nâng đỡ, vì chiếu cố đưa người đó lên thì làm không được việc. Có khi chính người đề xuất cũng mất uy tín.

Trong công tác chọn cán bộ, Bác Hồ bao giờ cũng căn cứ đến các tiêu chuẩn trên chứ không bao giờ xét đến góc độ cá nhân. Cá nhân người đó có gia đình thế nào, họ hàng thân quen ra sao, bè nhóm nào..., Bác không bao giờ xét đến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, học viên Trường Dân tộc miền núi trung ương, ngày 12-2-1956. Ảnh: TƯ LIỆU

Nhẹ tay, buông lơi là hỏng

Với Bác, tình người, tính nhân văn, nhân đạo rất cao cả, thương người cứu người giúp người hết sức. Thế nhưng một khi đã giáo dục, thuyết phục cán bộ nhiều rồi mà vẫn không nghe, cố tình làm sai, tham ô thì Bác xử rất nghiêm, không để lơi lỏng.

Điển hình nhất là vụ Bác Hồ tự tay ký bản án tử hình đại tá Trần Dụ Châu (khi đó là cục trưởng Cục Quân nhu) tham nhũng. Ký bản án tử hình này Bác đã khóc vì mất đi một cán bộ cấp cao, bởi thời đó đại tá hiếm lắm.Xử bắn một đại tá trong lúc đang có chiến tranh, đau lắm chứ, Đảng mất một vị chỉ huy quân đội trong lúc đang rất cần người. Nghĩ như thế mới thấy đau nhưng Bác phải xử nghiêm để làm gương cho người khác.

Như vừa rồi Đảng cũng đã xử lý nghiêm nhiều cán bộ cấp cao, đây là một việc đau lòng nhưng phải làm. Tất nhiên Đảng không mong việc như thế xảy ra nhiều.

Sau này, Bác Hồ cũng ký mấy trường hợp xử rất nặng do cán bộ tham ô, tham nhũng, thoái hóa đạo đức... Bác bảo phải xử nghiêm để làm gương cho mọi người, để cứu những người khác.

Bây giờ Đảng cũng phải theo tinh thần đó của Bác, nếu anh đã bị phê bình, nhắc nhở nhưng không sửa, thậm chí anh còn chạy chọt, lo lót để nhẹ tội thì phải kiên quyết xử nghiêm. Còn nếu cứ nhẹ tay, buông lơi là hỏng.

Đảng cũng phải khắc phục ngay “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, tham nhũng, lãng phí...

Cùng với việc chấn chỉnh lại đội ngũ, phải chọn cho được những người có đạo đức, phẩm chất, năng lực, đúng tầm và có uy tín với mọi người vào bộ máy lãnh đạo. Bây giờ người không có uy tín nói không ai nghe.

TRIỆU VŨ (*)

Bác không bao giờ chấp nhận bè phái, lợi ích nhóm

Học Bác, trong công tác cán bộ phải tránh xa để loại trừ những biểu hiện tư duy nhiệm kỳ, cục bộ, thân quen, nể nang, dễ dãi... khi lựa chọn nhân sự vào bộ máy lãnh đạo. Bác Hồ không bao giờ chấp nhận những biểu hiện bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm... Đó là một biểu hiện của sự chia rẽ.

Chọn người không phải chọn mấy anh cơ hội, đừng làm theo lối hễ cứ bố là cán bộ thì con là “cậu ấm”. Bác Hồ nói cái cốt yếu là phải xem thử người đó có giỏi thật không, có đức thật không chứ không phải người đó gốc gác thế nào. 

(*) Tác giả Triệu Vũ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm