Bắc Kinh chuẩn bị nghiên cứu 1,7 kg vật chất lấy từ mặt trăng

Theo tờ South China Morning Post, các nhà khoa học Trung Quốc sẽ sớm bắt đầu nghiên cứu các mẫu vật chất do tàu thăm dò Hằng Nga 5 (Chang’e-5) lấy từ mặt trăng mang về Trái Đất.

Cơ hội khám phá thêm về mặt trăng

Một buổi lễ đã được tổ chức vào sáng 19-12 để Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc bàn giao các mẫu vật chất mặt trăng cho Viện Khoa học Trung Quốc (CAS).

Trong cuộc hành trình 23 ngày, tàu thăm dò Hằng Nga 5 đã thu thập 1,73 kg mẫu vật chất từ mặt trăng. Đây là những mẫu đầu tiên được thu thập từ mặt trăng kể từ năm 1976.

Vào ngày 19-12, 1,73kg mẫu vật chất mặt trăng đã được chuyển tới phòng thí nghiệm mẫu Mặt Trăng đầu tiên của Trung Quốc tại Đài quan sát Thiên văn Quốc gia (NAO). Đây là một cơ quan có trụ sở tại Bắc Kinh thuộc Viện CAS, hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin.

Cơ sở NAO sẽ cho phép lưu trữ lâu dài các mẫu trong môi trường nitơ có độ tinh khiết cao và đảm bảo không bị ô nhiễm hoặc ảnh hưởng hóa học trong quá trình nghiên cứu, NAO cho biết trên nền tảng WeChat.

Các nhà nghiên cứu khoa học chuyển thùng chứa vật chất mặt trăng. Ảnh: TÂN HOA XÃ

NAO cho hay: “Nghiên cứu này không chỉ giúp nhân loại hiểu được các đặc điểm cơ bản của mặt trăng mà còn cung cấp cơ sở cho các cỗ máy mặt trăng, bộ đồ phi hành gia và khu vực hạ cánh cho các sứ mệnh khảo sát trong tương lai”.

Phó Thủ tướng Trung Quốc - ông Lưu Hạc ca ngợi sứ mệnh của tàu Hằng Nga 5 là “cột mốc quan trọng trên con đường đưa Trung Quốc trở thành cường quốc không gian”.

“Chúng ta cần duy trì mức độ khẩn trương cao, đẩy nhanh tốc độ đổi mới và nâng cao hiệu suất và hiệu quả của sự phát triển của chúng ta, chú trọng đào tạo nhân tài và tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế” - ông cho biết.

Chương trình Hằng Nga của Trung Quốc, với mục tiêu dài hạn là thiết lập một cơ sở nghiên cứu trên mặt trăng, đã gặp phải những thách thức khá lớn kể từ khi bắt đầu, bao gồm cả sự cố tên lửa đẩy Trường Chinh 5 (Long March 5) vào ngày 5-3-2017.

Tuy nhiên thành công của sứ mệnh Hằng Nga 5 mang lại cho các nhà khoa học Trung Quốc cơ hội kiểm tra các mẫu vật chất mặt trăng lần đầu tiên kể từ năm 1978, khi Mỹ tặng một gam trong tổng số 382 kg cho Trung Quốc. 

Không giống như những mẫu được người Mỹ và người Liên Xô thu thập, các mẫu mới được lấy từ một khu vực địa chất trẻ hơn của mặt trăng, có nghĩa là chúng có thể tiết lộ thông tin mới về lịch sử của nó.

Cuộc đua không gian Mỹ - Trung

Tiến bộ của Trung Quốc trong việc khám phá không gian đã làm dấy lên lo ngại mới về một cuộc chạy đua không gian với Mỹ, khi hai nước đã vướng vào các cuộc chiến giành ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực khác.

Sau khi sứ mệnh Hằng Nga 5 ra mắt vào ngày 24-11, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đăng trên nền tảng Twitter rằng cơ quan này hy vọng Trung Quốc “chia sẻ dữ liệu của mình với cộng đồng khoa học để nâng cao hiểu biết của chúng tôi về mặt trăng giống như sứ mệnh Apollo của chúng tôi đã làm và chương trình Artemis sẽ làm”.

Hai tuần sau đó, NASA công bố một báo cáo phác thảo kế hoạch đưa các phi hành gia Mỹ - bao gồm cả người phụ nữ đầu tiên - trở lại mặt trăng vào năm 2024.

Vào tháng 7, tàu thăm dò Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) của Trung Quốc và tàu thám hiểm Perseverance của Mỹ đã bắt đầu sứ mệnh lên Sao Hỏa.

Trước đó, vào tháng 11, Tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ - Tướng John Raymond đã cảnh báo về mối đe dọa từ cả Trung Quốc và Nga. Theo ông, điều này sẽ “gia tăng các khả năng có thể làm mất đi lợi thế của Mỹ” và tìm cách “ngăn chặn quyền tiếp cận không gian của Mỹ”.

Mỹ và Trung Quốc được coi là những nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực khám phá không gian. Song hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng Mỹ vẫn có lợi thế về mặt công nghệ quan trọng, điều này được đảm bảo hơn nhờ việc nước này kiểm soát chặt chẽ việc bán công nghệ vũ trụ cho Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm