Theo báo cáo của tổ chức Nghiên cứu Tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), chỉ tính riêng trong tháng 9, đã có 60 máy bay chiến đấu Mỹ tiến hành các hoạt động gần Trung Quốc. Đồng thời, báo cáo còn chỉ ra sự bất thường trong việc tiếp nhiên liệu cho các chiến đấu cơ này, tờ South China Morning Post hôm 13-10 đưa tin.
Theo bản báo cáo được SCSPI công bố vào hôm 12-10, có tổng cộng 60 chiến đấu cơ Mỹ hoạt động ở các vùng biển gần Trung Quốc. Cụ thể, có 41 chiếc máy bay hoạt động ở Biển Đông, sáu chiếc làm nhiệm vụ trên biển Hoa Đông và 13 chiếc hoạt động ở biển Hoàng Hải.
Theo báo cáo, việc triển khai lực lượng của Mỹ cho thấy khu vực Biển Đông vẫn là ưu tiên hàng đầu của Washington.
Bên cạnh đó, báo cáo này cho biết chiến đấu cơ Mỹ đã tăng cường hoạt động tiếp liệu trên không từ tháng trước. Điều này cho thấy có vẻ Mỹ đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công từ xa nhằm vào các mục tiêu ở Biển Đông.
Điều đáng chú ý là các máy bay tiếp liệu cho máy bay trinh sát Mỹ trên Biển Đông được điều đi từ căn cứ quân sự ở đảo Guam nằm phía tây Thái Bình Dương thay vì đi từ điểm xuất phát gần hơn là căn cứ không quân Kadena ở Nhật.
Theo báo cáo, đây là động thái bất thường vì nó sẽ gây tốn kém và không hiệu quả. Báo cáo nhận định rằng dường như mục đích của hoạt động này là để chuẩn bị cho việc tiếp liệu đường dài trong điều kiện khắc nghiệt trong tương lai.
Máy bay trinh sát E-8C của Mỹ. Ảnh: DEFENCE BLOG
Bên cạnh đó, đáng chú ý không kém là tần số hoạt động của chiến đấu cơ Mỹ ở khu vực biển Hoàng Hải đã tăng lên rõ rệt so với các hoạt động lẻ tẻ cách đây hai tháng. Cụ thể, có 13 máy bay đã bay đến Hoàng Hải trong khi quân đội Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận.
Ông Ben Ho - chuyên viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho rằng việc máy bay tiếp liệu của Mỹ xuất phát từ căn cứ quân sự ở Guam để tiếp năng lượng cho chiến đấu cơ ở Biển Đông là một phương án dự phòng cho hai tình huống xấu nhất.
Tình huống thứ nhất là các căn cứ quân sự ở Nhật bị tên lửa Trung Quốc phá huỷ khi chiến tranh Mỹ - Trung nổ ra. Tình huống thứ hai là Nhật từ chối cho phép quân đội Mỹ đóng trên lãnh thổ của mình triển khai lực lượng chống lại Trung Quốc.
Ông Ho kết luận, nếu rơi vào hai tình huống này, Mỹ không còn cách nào khác là phải sử dụng căn cứ ở Guam. Tuy nhiên, ông Ho nhận định rằng có rất ít khả năng quân đội Mỹ và Trung Quốc chạm trán trên không và trên biển.
Một nhà nghiên cứu khác, ông Malcolm Davis - chuyên viên phân tích về an ninh Trung Quốc tại Viện Chính sách Chiến lược Úc cho rằng Mỹ cần tăng cường hiện diện để ngăn chặn Trung Quốc tham gia vào các hành động gây hấn trong khu vực, nhất là ở Biển Đông.
Theo ông Davis, có khả năng Trung Quốc sẽ tranh thủ tình trạng bất ổn nội bộ hay chia rẽ chính trị ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống để “làm mưa làm gió” ở Đài Loan và Biển Đông. Để ngăn chặn tình huống đó, Mỹ cần tiếp tục những hoạt động huấn luyện như trên.