Theo ông Hưng, nếu bác sĩ làm việc quá tải, sức khỏe không tốt, họ có quyền từ chối khám chữa cho bệnh nhân nếu không phải trường hợp cấp cứu.
Ngoài ra, nếu cơ sở y tế đó không đủ điều kiện về trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân, bác sĩ cũng có thể từ chối.
Nếu bệnh nhân cấp cứu hoặc bệnh nặng, bác sĩ phải tiến hành sơ, cấp cứu cho người bệnh rồi mới chuyển tới cơ sở khám chữa bệnh phù hợp nhất.
Theo ông Hưng, với trường hợp bác sĩ tham gia mổ dịch vụ theo yêu cầu nếu vì lý do nào đó họ có thể từ chối nhưng nếu phải làm theo phân công nhiệm vụ thì buộc phải làm.
Trước đó, báo chí đưa tin bệnh nhân Trang ở Hà Tĩnh bị ông Vũ Bá Quyết từ chối mổ chỉ vì bệnh nhân là người viết báo.
Trần tình với cơ quan báo chí về thông tin này, ông Quyết cho rằng đã phải từ chối rất nhiều bệnh nhân đến đề nghị ông mổ dịch vụ vì ông không thể đảm đương hết vì có nhiều bệnh nhân nặng, nhiều ca khó chờ ông mổ, ngoài ra ông còn làm công tác quản lý nên không có nhiều thời gian.
Hơn nữa, bệnh nhân này không phải là bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân Trang có khối u ở tử cung nhưng chỉ là dạng u xơ và chỉ định mổ nội soi bóc tách u xơ, nhiều bác sĩ có thể làm được.
Ông Quyết cho rằng việc từ chối mổ là bình thường, tuy nhiên ông vẫn nhận khuyết điểm vì giải thích cho bệnh nhân chưa rõ ràng, gây hiểu lầm.
Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh Điều 32. Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh 1. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. 2. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. 3. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. |