Bác sĩ gặp họa khi cấp cứu ngoài hiện trường

Mới đây, buổi sinh hoạt huấn luyện chuyên môn của Trung tâm Cấp cứu 115 (TP.HCM) nóng lên bởi có sự chia sẻ của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM. Đơn vị này chia sẻ về chuyên đề tâm lý tội phạm và hướng dẫn sơ lược một số kỹ năng tự vệ tối thiểu dành cho nhân viên y tế đối với các đối tượng bạo hành, cản trở công tác khám chữa bệnh.

Đang cấp cứu, bị ngáo đá ôm chân

Tham gia buổi sinh hoạt, điều dưỡng Phùng Nhã Ân mong muốn có thêm nhiều buổi nói chuyện chuyên đề và thực hành kỹ năng tự vệ cho thuần thục. Bởi các kiến thức này không chỉ cần thiết cho nhân viên y tế mà người dân bình thường nào cũng cần trang bị.

Chị Ân kể qua bốn năm gắn bó với công tác cấp cứu ngoại viện, có không ít lần chị phải thót tim. Nhớ nhất là lần đi cấp cứu một thanh niên ngáo đá nhảy từ tầng hai xuống đất, chấn thương chảy máu phần mềm ở chân. Khi chị Ân chuẩn bị làm sạch và đắp gạc vết thương thì thanh niên này ôm chân chị, không cho làm. Lanh trí rút chân ra, chị nhờ lực lượng công an tại chỗ hỗ trợ sơ cứu bệnh nhân và chuyển lên xe. Chưa hết, khi đi được một đoạn, thanh niên này vùng vẫy rất dữ, hai công an và dân phòng phải giữ chặt tay chân mới yên.

Chuyện bị nặng lời, lớn tiếng đối với lực lượng cấp cứu ngoại viện cũng không hiếm. “Có những lúc người dân gọi nhưng do đường kẹt xe, không thể tới nhanh được, người hiểu thì thông cảm nhưng cũng có người nặng lời. Có trường hợp chờ lâu quá, người nhà tự đưa đi cấp cứu nhưng không báo, đến nơi gọi thì bị họ quát la. Những lúc đó mình đều bỏ ngoài tai và lo nhiệt tình cấp cứu, ưu tiên sự sống hàng đầu và hiểu là tâm lý chậm vài phút đối với thân nhân bệnh nhân là rất dài. Thấy bệnh nhân đau, mình cũng xót và thương nên quên hết” - chị Ân chia sẻ.

Êkíp cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận hiện trường và cấp cứu cho người dân. Ảnh: BST

Bị nhốt và “bắt làm con tin”

Bốn năm công tác không dài nhưng cũng đủ làm cho BS Khuất Hoàng Sơn thấm thía nỗi vất vả của cấp cứu ngoài hiện trường, đặc biệt là các ca tai nạn giao thông có người dân vây kín xung quanh. BS Sơn kể cách đây vài tháng, có một thiếu niên (14 tuổi) tự lấy xe máy chạy và té gãy chân, vết thương hở chảy nhiều máu, ở quận 3. Do đường buổi trưa đông nên êkíp hơi mất thời gian tiếp cận hiện trường.

“Trên đường đi, êkíp cấp cứu liên tục nghe nhiều cú điện thoại từ nhiều người hối thúc, thậm chí nặng lời, văng tục dù nghe tiếng còi hú vội vã. Khi đến nơi, bên cạnh người mừng la lên “Cấp cứu tới rồi!” thì cũng không ít lời lẽ kích động “Sao các anh đến nơi chậm quá vậy?”. Do bệnh nhân chưa đủ 15 tuổi nên êkíp cấp cứu quyết định đưa đến BV Nhi đồng 1 và được sự đồng ý của người nhà. Mặc dù vậy, người dân xung quanh vẫn ý kiến: “Sao không chuyển Chợ Rẫy, 115 mà qua Nhi đồng?!”” - BS Sơn nhớ lại...

Là một trong những đầu mối liên lạc với êkíp cấp cứu ngoài hiện trường, điều dưỡng trưởng Trung tâm Cấp cứu 115 Trà Thanh Vĩnh cho biết thường xuyên nhận cuộc gọi “cầu cứu” của êkíp đối với các tình huống oái oăm của người nhà. BS Vĩnh nhớ cách đây đã lâu, một êkíp đã bị chốt cửa, nhốt trong nhà và bị đe dọa phải hồi sức cho người thân, khi nào tỉnh lại thì mới được ra. Trường hợp này, người cha già không qua khỏi nhưng nhờ sự khôn khéo, nhiệt tình của êkíp nên đã bình an trở về.

Kể sự việc này, BS Vĩnh nói cấp cứu ngoài hiện trường gặp rất nhiều tình huống bất ngờ, tiềm ẩn rủi ro nên đội ngũ cấp cứu phải rất linh hoạt, thấu hiểu tâm lý của từng đối tượng, lứa tuổi. Có những lần cấp cứu ngoài hiện trường những vụ đánh nhau nhưng công an chưa tới kịp, dù nguy hiểm nhưng trách nhiệm cứu người là trên hết nên bác sĩ vẫn phải làm ngay. Hoặc có lần êkíp gặp người bị điện giật thì cũng phải tìm cách cùng người dân ngắt điện...

Cấp cứu ngoài hiện trường khác cấp cứu trong bệnh viện khi không có phòng cách ly, lực lượng bảo vệ và phải tiếp xúc nhiều người xung quanh chứ không chỉ có người nhà. Người dân gọi giờ nào phải đi giờ đó, bất kể khuya khoắt. Có những con hẻm rất sâu, xe cứu thương phải đậu ở ngoài, nhân viên xách valy cấp cứu đi vào trong tìm nhà nên tiềm ẩn rủi ro. Đã từng có trường hợp nhân viên trung tâm đi cấp cứu bị người tâm thần phun nước miếng, rượt chạy...

Buổi chuyên đề đặt hàng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm về tội phạm, các thế võ tự vệ như bị nắm tóc, nắm tay, bị ôm từ phía sau... thì phản ứng thế nào cho đúng luật, phù hợp màu áo trắng.

ThS-BS VÕ QUANG HUYPhó Giám đốc Trung tâm
Cấp cứu 115, TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm