BS KHÂU MINH TUẤN, Phó Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM) giải đáp thắc mắc:
Dấu hiệu ngộ độc rượu giả
Rượu mà mọi người uống hàng ngày được lên men từ ngũ cốc là rượu ethanol. Trong khi đó, rượu giả là rượu methanol. Loại rượu này nhẹ, dễ bay hơi, không màu và có mùi đặc trưng rất giống rượu ethanol.
Methanol còn được gọi là rượu gỗ (lên men từ gỗ) vì được tạo ra bằng cách chiết xuất qua phân hủy gỗ. Rượu này được dùng làm dung môi hòa tan cho các sản phẩm công nghiệp và dân dụng như pha chế sơn.
Rượu methanol tuyệt đối không được sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên do hám lời, một số người pha methanol vào rượu ethanol để bán và dễ có nguy cơ gây ngộ độc cho người.
Sau khi uống methanol, các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút nhưng có thể muộn hơn tùy vào lượng uống vào. Thường có 2 giai đoạn ngộ độc: Giai đoạn kín đáo (từ vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo sau.
Do triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ nên dễ bị bỏ qua. Trong khi biểu hiện ở giai đoạn nặng thường gặp bao gồm:
-Thần kinh: Giai đoạn đầu thường tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt. Sau đó có biểu hiện bồn chồn, hưng cảm rồi dần ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.
-Mắt: Lúc đầu bình thường. Sau đó nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị.
-Tiêu hóa: Đau bụng, nôn, tiêu chảy.
- Hô hấp: Thở nhanh, sâu rồi dần thở yếu, ngừng thở.
-Tim mạch: Giãn mạch, tụt huyết áp, suy tim.
-Có thể đau lưng, cứng gáy, cứng cơ, da lạnh, vã mồ hôi.
Khi phát hiện các triệu chứng ngộ độc như trên, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị.
Không uống bia để giải độc rượu
Vừa qua, báo chí đưa tin BS khoa Hồi sức chống độc bệnh viện Đa khoa Quảng Trị đã truyền 15 lon bia vào dạ dày bệnh nhân ngộ độc methanol và đã cứu sống.
Tin này khiến các đệ tử lưu linh tột độ phấn khích. Tuy nhiên nhiều người hoang mang phương pháp “dĩ độc trị độc” này.
Rượu ethanol thường uống chủ yếu được phân hủy tại gan bởi men ADH. Sau đó nhanh chóng được phân hủy thành CO2 và nước rồi đào thải ra ngoài. Do vậy, nếu uống một lượng ethanol hàng ngày ở một mức độ vừa phải thì ít có khả năng gây ngộ độc cấp tính.
Rượu methanol ngoài tác động gây độc, ức chế hệ thần kinh, khi phân hủy nó còn sinh ra formaldehyde, có thể làm hủy hoại thần kinh mắt gây mù. Chưa hết, rượu methanol khi phân hủy còn tạo ra acid formic, formate gây toan chuyển hóa, giảm oxy máu và các rối loạn khác. Điều này làm cho bệnh nhân nhanh chóng hôn mê và dẫn tới tử vong.
Tuy nhiên, ngộ độc methanol diễn tiến chậm vì nó cần thời gian chuyển hóa thành các chất gây độc nêu trên. Kể cả ethanol (rượu uống được) và methanol (không uống được) đều có thể gây độc và gây chết người nhưng methanol nguy hiểm hơn nhiều.
Vài nghiên cứu cho thấy trong cùng một thời điểm, ethanol có thể ức chế methanol. Trong “Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc” của Bộ Y tế Việt Nam năm 2015 (trang 180) có đề cập và chỉ định dùng ethanol truyền dạ dày trong xử trí cấp cứu ngộ độc methanol nhưng chỉ nói đến “rượu mạnh”. Sử dụng bia để truyền cho bệnh nhân thay ethanol nguyên chất chỉ là biện pháp “túng thế tùng quyền”.
Tại Mỹ, việc sử dụng ethanol trong cấp cứu ngộ độc methanol đã được sử dụng cách đây hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận do chưa đủ chứng cứ. Hơn nữa, ethanol là rượu và có tác hại chứ không phải hoàn toàn an toàn. Nếu tai biến xảy ra thì quả là lợi bất cập hại!
Nói dùng bia truyền để cứu sống bệnh nhân ngộ độc methanol là một cách nói quá. Đây chỉ là một bước trong quá trình cấp cứu. Quan trọng nhất vẫn là hồi sức và giữ được các dấu hiệu sinh tồn ổn định như hô hấp, tuần hoàn và chống toan chuyển hóa, lọc máu để loại trừ chất độc.
Vì vậy, không nên uống bia giải độc rượu vì có thể làm tăng tình trạng ngộ độc ethanol.