Hai ngày qua, thông tin về BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) ngộ độc methanol có trong rượu bằng cách truyền vào dạ dày bệnh nhân 15 lon bia để giải độc đang gây xôn xao dư luận.
Không ít người khi nghe thông tin đã hào hứng chia sẻ việc bia có thể giải độc được rượu. Dưới góc độ y khoa, nhiều bác sĩ (BS) cảnh báo thông tin không rõ có thể gây hiểu lầm với những người thiếu kiến thức chuyên môn rằng nếu ngộ độc rượu có thể uống bia để giải độc. Việc hiểu nhầm này có thể mang lại tác hại không thể lường trước được.
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với BS Nguyễn Văn Thuận, Khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy TP.HCM để làm rõ về thông tin trên:
. Phóng viên: Có mấy loại ngộ độc rượu, cần phân biệt các loại ngộ độc rượu như thế nào, thưa bác sĩ?
+ BS Nguyễn Văn Thuận: Có hai loại ngộ độc rượu chủ yếu là ngộ độc ethanol và ngộ độc methanol có trong rượu, bia. Trên thực tế, methanol không được dùng để uống mà thường được dùng trong công nghiệp do nơi sản xuất pha thêm vào. Methanol thường được dùng làm chất tẩy rửa, đông lạnh trong công nghiệp. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu do ngộ độc methanol đường uống do có pha lẫn trong rượu kèm theo ethanol là chính, rất ít ca ngộ độc do tiếp xúc với hóa chất methanol trong công nghiệp.
BS Thuận lo ngại thông tin không rõ sẽ gây hiểu nhầm cho người dân. Ảnh: HL
. Điều trị ngộ độc methanol có được dùng bia truyền vào dạ dày không?
+ Điều trị ngộ độc methanol gồm nhiều bước như đảm bảo hô hấp, huyết áp, ổn định tri giác, súc rửa dạ dày... Ở BV Chợ Rẫy, chúng tôi đang thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế là giải độc methanol được sử dụng hai loại thuốc giải độc là ethanol và fomepizole.
Trong đó ethanol có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc uống qua đường miệng và hai loại này phân biệt khác nhau. Dĩ nhiên, ethanol đường uống và đường tiêm đều phải đảm bảo đạt chất lượng, không lẫn tạp chất, nếu không sẽ không hiệu quả và đảm bảo cho người bệnh.
Về bản chất, methanol uống vào cơ thể không gây độc. Nhưng lúc chuyển hóa qua gan, nó sẽ sản sinh ra chất gây độc là axid fomic gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác. Do đó, mục đích đưa ethanol vào cơ thể sẽ giúp ức chế enzym chuyển hóa methanol thành chất độc gây hại cho cơ thể. Ở BV Chợ Rẫy, chúng tôi chưa từng sử dụng phương pháp truyền bia vào cơ thể bệnh nhân để giải độc rượu. Phương pháp truyền bia vào cơ thể cũng có thể lý giải được là trong bia vẫn có chất ethanol mà bản chất cuối cùng của điều trị là dùng ethanol đối kháng với methanol.
Tuy nhiên, sử dụng ethanol không thì không đủ và chỉ là phụ, cái chính là bệnh nhân cần được giải độc methanol đã chuyển hóa thành chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách lọc thận nhân tạo. Chỉ dùng ethanol không thì chỉ có tác dụng ức chế khâu không cho methanol tiếp tục chuyển hóa thành chất độc.
Ethanol giải độc methanol được cho phép nhưng người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Ảnh minh họa: Internet
. Hiểu lầm bia giải độc được rượu gây tai hại ra sao? Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân khi có biểu hiện ngộ độc rượu?
Tôi thấy nếu người dân không có chuyên môn, đọc thông tin truyền bia vào cơ thể giải ngộ độc rượu do uống rượu sẽ gây hiểu nhầm, biết đâu có người tự áp dụng ở nhà sẽ rất nguy hiểm.
Ở đây cần phân biệt rõ người bị ngộ độc methanol mới dùng chất đối kháng là ethanol để giải độc. Còn ngộ độc ethanol đơn thuần thì phương pháp điều trị hoàn toàn khác. Không riêng methanol mà ethanol uống số lượng nhiều cũng gây ngộ độc, không làm các xét nghiệm chuyên môn sẽ không phân biệt được.
Nếu chỉ ngộ độc ethanol mà cho uống thêm bia có ethanol nữa thì sẽ càng làm cho tình trạng ngộ độc nặng hơn. Kể cả biết rượu pha methanol thì người bệnh cũng cần được đưa đến cơ sở y tế xét nghiệm và theo dõi điều trị trong thời gian càng sớm càng tốt, bởi vì trong thời gian ngồi uống rượu thì methanol đã kịp chuyển hóa thành chất độc gây hại cho cơ thể bệnh nhân rồi.
Tại cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm chính xác nhất để phân biệt có methanol trong máu hay không và áp dụng phương pháp giải độc thích hợp nhất, hạn chế biến chứng thấp nhất do methanol chuyển hóa gây ra.
Do đó, khi uống rượu, người dân cần dùng loại có uy tín, nguồn gốc rõ ràng để tránh trong rượu có pha lẫn methanol mà không biết. Nếu sau khi uống rượu có biểu hiện như rối loạn tri giác, hôn mê ... cần đưa đến cơ sở y tế ngay để được đánh giá xét nghiệm kiểm tra nồng độ rượu trong máu, kiểm tra chức năng gan, thận, đường huyết. Người dân không nên tự tiện dùng bia để giải độc rượu.
Xin cảm ơn bác sĩ.