“Bác sĩ” Trung Quốc lại tháo chạy

Được cấp phép hoạt động từ giữa tháng 6 đến nay, Phòng khám đa khoa Châu Á (646-648 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, TP.HCM) do BS Hoàng Đình Quán phụ trách chuyên môn đã nhanh chóng lôi kéo “bác sĩ” người Trung Quốc đến khám, chữa bệnh mà chẳng có một giấy phép hành nghề nào.

Sự việc được Thanh tra Sở Y tế, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM kiểm tra bất ngờ và phát hiện vào sáng 18-10. Tám người Trung Quốc, trong đó có năm người được xác định có tham gia khám, chữa bệnh. Họ vẫn dùng cách thức cũ: Cởi áo blouse và… trốn! Đây là phòng khám Trung Quốc “đội lốt” người Việt hoạt động như các phòng khám khác đã được phát hiện.

Phát quảng cáo trái phép cho… thanh tra y tế

Từ nhiều tháng nay, Phòng khám Châu Á tiến hành quảng cáo bằng tờ rơi rầm rộ tại các bến xe, vùng quê. Một thanh tra viên Sở Y tế về nhà ở huyện Củ Chi (TP.HCM) cũng tỏ ra bất ngờ khi được một người phát cho tờ rơi này! Thanh tra Sở Y tế đã bí mật theo dõi và quyết định kiểm tra để xử lý vì nghi có người Trung Quốc hoạt động trái phép.

Tại thời điểm kiểm tra, phòng khám mở cửa hoạt động, bệnh nhân TT đang được truyền dịch, các “bác sĩ” thấy động nên rút kim và… trốn. Bệnh nhân cho biết mình đã đến đây truyền dịch 2-3 lần do “bác sĩ” Trung Quốc chỉ định mặc dù chỉ bị cảm. Lý giải về việc đi đến phòng khám này, anh T. cho biết đọc báo thấy đăng quảng cáo nên đến. Đoàn ghi nhận có tám người Trung Quốc, trong đó có năm người thực hiện khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, khi thanh tra ập vào, có ba người chạy lên tầng tám của tòa nhà chốt cửa. Đến hơn 1 giờ sau họ mới mở cửa.

Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM đang lấy lời khai những người Trung Quốc. Ảnh: TÙNG SƠN

Sổ khám bệnh, các chỉ định với các chữ viết tiếng Trung Quốc là bằng chứng “bác sĩ” Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại phòng khám này. Ảnh: TÙNG SƠN

“Không có bác sĩ người Việt phụ trách các phòng khám, phòng siêu âm, cơ sở không niêm yết giá dịch vụ nhưng thực hiện khám và thu tiền. Sau 2 giờ kiểm tra, bác sĩ TQT phụ trách phòng khám sản mới đến nhưng sau đó… bỏ về” - biên bản ghi nhận.

Phòng khám có đến 10 loại máy móc, đa số là nhãn hiệu Trung Quốc nhưng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Đoàn đã tạm giữ 22 sổ khám bệnh (địa chỉ bệnh nhân đa số ở các tỉnh), 14 phiếu chỉ định xét nghiệm, một sổ tái khám, các loại thuốc và dịch truyền tại phòng trị liệu không rõ nguồn gốc.

Đủ chiêu né tránh

Ngoài việc các “bác sĩ” Trung Quốc cởi áo blouse trốn thì các nhân viên khác hoặc bệnh nhân ở phòng khám Trung Quốc cũng được dạy đủ chiêu để đối phó với đoàn kiểm tra. Thí dụ, trước khi chạy trốn “bác sĩ” còn dặn bệnh nhân TT chốt cửa lại, không mở cho ai vào. Mặc dù phòng nóng nực, mồ hôi chảy như tắm nhưng thanh tra gọi mãi anh chẳng chịu ra.

Những người chạy trốn trên tầng tám của tòa nhà, hơn 1 giờ được người quản lý phòng khám “làm công tác tư tưởng” thì họ mới chịu mở cửa ra mặc dù đoàn thanh tra đã gọi rất nhiều lần. Chưa hết, khi đoàn kiểm tra đang làm việc với tám người Trung Quốc và đề nghị phòng khám bảo lãnh để sáng thứ Hai sang trình diện, làm việc tại Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, một người tự xưng là chủ nhà nói tám người này là bà con của mình đến… thăm chơi. Công an hỏi có đúng là người nhà không để viết cam kết thì chị ta ú ớ hỏi viết làm gì. Thanh tra nói nếu chứng minh được các vị này khám, chữa bệnh thì chị sẽ chịu trách nhiệm! Một lúc sau chị này biến mất.

Sau 2 giờ kiểm tra, bác sĩ TQT (người Việt, phụ trách khoa sản) mới đến. BS Phạm Kim Bình, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế, yêu cầu bác sĩ T. chứng minh là đã khám, chữa bệnh tại đây bằng một ca bệnh cụ thể, được thể hiện trên sổ sách. Bác sĩ này nói “có” nhưng chưa chứng minh gì thì một lúc sau đã lẻn đi đâu không ai biết. “Tại sao những người phụ trách các khoa vắng mặt?”. Tại ế quá nên các anh chị em nghỉ - đại diện phòng khám trả lời khi được thanh tra hỏi.

Phòng khám đã thực hiện khám, chữa bệnh yếu sinh lý, phá thai… và không đăng ký người nước ngoài hoạt động, đó là những sai phạm trước mắt. Còn các bác sĩ Việt có dấu hiệu cho thuê mướn bằng, thanh tra sẽ mời đến làm rõ và có biện pháp xử lý.

TS-BS BÙI MINH TRẠNG, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

Phòng khám điều chỉnh bảng hiệu theo đúng phạm vi chuyên môn hoạt động đã được cấp phép; ngưng hoạt động nhà thuốc vì chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý; ngưng hoạt động của các “bác sĩ” người Trung Quốc; ngưng quảng cáo trái phép bằng tờ rơi. Yêu cầu phòng khám xuất trình hóa đơn, chứng từ nguồn gốc về máy móc, thiết bị và mời đến Sở Y tế làm việc vào ngày 23-10.

Thanh tra Sở Y tế yêu cầu

Chiều cùng ngày (18-10), Thanh tra Sở Y tế và Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh  - Công an TP.HCM tiếp tục kiểm tra đột xuất Phòng khám Tâm Đức (945-947 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5). Tại đây, đoàn phát hiện có một người Trung Quốc nhưng chưa xác lập được là có tham gia khám, chữa bệnh hay không. Ngoài ra có nhiều loại thuốc Tây có chữ Trung Quốc. Đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới