Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đừng cố tìm nguồn lây bạch hầu

Vài ngày qua, sau Đắk Nông và Kontum, cả nước lại phát hiện thêm ổ dịch bạch hầu mới ở Gia Lai. Tính đến thời điểm sáng nay (7-7), ổ dịch bạch hầu ở tỉnh Gia Lai gây tử vong cho một bé trai (4 tuổi) và 13 người khác có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Đến chiều 7-7, Đắk Lắk tiếp tục phát hiện một người phụ nữ 52 tuổi ở xã Bông Krang, huyện Lắk mắc bệnh bạch hầu.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 đã chia sẻ những đặc tính của vi khuẩn bạch hầu và mức độ lây lan của loại vi khuẩn này. 

. Phóng viên: Các thông tin cho biết bé trai 4 tuổi ở Gia Lai mặc dù có chích ngừa đầy đủ nhưng vẫn mắc bạch hầu cấp tính gây tử vong. Có thể lý giải điều này như thế nào, thưa bác sĩ?

+ BS Trương Hữu Khanh: Bạch hầu lây qua đường hô hấp là chủ yếu, người có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất là ở chung phòng, chung nhà với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu.

Khi người bệnh hoặc người mang vi khuẩn bạch hầu ho hoặc hắt hơi sẽ làm văng vi khuẩn ra môi trường xung quanh, người khác hít phải hoặc đụng dính dịch tiết rồi đưa tay lên mũi, mặt. Một đường lây truyền khác hiếm hơn là dịch tiết chứa vi khuẩn dính vào vết xước ở da.

Người không chích ngừa hoặc từng chích ngừa nhưng đã lâu không nhắc lại, kháng thể giảm xuống, không chống lại được độc tố của vi khuẩn bạch hầu xâm nhập vào cơ thể tiết ra sẽ dễ phát bệnh hơn.

Em bé 4 tuổi tử vong có thể rơi vào tình huống tiếp xúc hít phải vi khuẩn bạch hầu nhiều lần. Trong khi đó, kháng thể chống lại độc tố của vi khuẩn bạch hầu trong cơ thể bé giảm dần theo thời gian và xuống thấp thì phát bệnh ra.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói về bệnh bạch hầu. Ảnh: HL

. Nhiều trường hợp có xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu nhưng không biểu hiện triệu chứng thì có khả năng lây bệnh không? 

+ Bạch hầu cũng giống một số loại vi khuẩn khác, người mang vi khuẩn này có thể có nhiều biểu hiện khác nhau từ không có triệu chứng, có triệu chứng nhẹ, đến nặng và rất nặng phụ thuộc vào sức đề kháng và kháng thể trong mỗi người.

Điều này lý giải vì sao trong cùng một gia đình, có người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có biểu hiện bệnh mà có người lại biểu hiện bệnh. Tuy nhiên, người lành mang vi khuẩn dù không có biểu hiện bệnh vẫn phát tán vi khuẩn gây bệnh cho người khác.

. Các ổ dịch bạch hầu hiện nay đều không xác định được nguồn lây. Việc xác định nguồn lây có cần thiết để dập dịch không, thưa bác sĩ? 

+ Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm còn lưu hành ở Việt Nam và xảy ra rải rác quanh năm, đặc biệt nhiều hơn vào thời điểm mùa mưa, khí hậu ẩm thấp. Năm 2018, 2019, dịch bạch hầu cũng từng xảy ra ở các tỉnh Quảng Nam, Đắk Nông. Điều này chứng tỏ tỉ lệ chích ngừa và chích nhắc vaccine không đủ độ bao phủ và hiệu quả ở những nơi này.

Trong một cộng đồng gồm những người không chích ngừa, chắc chắn có một vài người nào đó đang mang vi khuẩn và tiếp tục lây cho người khác. Tuy nhiên, người có sức đề kháng tốt không biểu hiện thành bệnh, đến khi vi khuẩn gặp cơ thể có miễn dịch thấp thì mới phát hiện ra bệnh cho nên không thể biết được ai có mang vi khuẩn.

Tìm nguồn lây bạch hầu sẽ không giải quyết được triệt để bệnh. Cách tốt nhất khi phát hiện ổ dịch là bao vây, xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân và dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, chấm dứt sự lây truyền.  

. Làm cách nào để phát hiện bạch hầu sớm và ngăn chặn các biến chứng gây tử vong?

+ Để giảm nguy cơ biến chứng, điều quan trọng nhất là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Bạch hầu không hề gây sốt cao, mà chỉ gây sốt nhẹ và có hai dấu hiệu sớm có thể bỏ sót là đau họng hoặc loét mũi có chảy máu. Khi bé hả họng ra, thấy có giả mạc màu trắng hoặc xám khó tróc, khi phết thấy dai và không tan trong nước.

Bác sĩ phải hình dung đây có thể là bệnh bạch hầu để cho xét nghiệm. Khi bệnh nặng hơn, bé sẽ ho nhiều hơn và khàn tiếng, trông đợi bạch hầu gây sốt cao, đi khám bệnh là sẽ trễ.

Giả mạc màu trắng trong họng một bệnh nhi mắc bạch hầu. Ảnh: ITN

Bệnh nguy hiểm ở chỗ ở giai đoạn sớm, vi khuẩn bạch hầu chỉ nằm ở vùng hầu họng, tiết ra ngoại độc tố tại chỗ tạo thành giả mạc gây hoại tử mô chưa gây nguy hiểm tính mạng. Giai đoạn này, tùy theo mức độ bệnh, bệnh nhân thường được cho dùng huyết thanh kháng độc tố và kháng sinh.

Tuy nhiên, để càng lâu thì quá trình điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều. Vi khuẩn sinh sôi nảy nở làm cho mô hoại tử càng nhiều, lan xuống thanh quản làm tắc đường thở, lúc này bệnh được gọi là bạch hầu thanh quản. Tiếp theo đó, ngoại độc tố tiết ra nhiều sẽ đi vào máu, tấn công lên tim và hệ thần kinh nên gọi là bạch hầu ác tính.

Xin cảm ơn ông!

 

Chích ngừa nhiều lần và chích nhắc

Bản chất của việc chích ngừa vaccine là tạo cho cơ thể có đủ kháng thể chống lại độc tố khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu cho nên cần phải chích nhiều lần và chích nhắc là vậy. Người có chích ngừa, khi mắc bệnh cũng sẽ đỡ nặng hơn do còn kháng thể kháng độc tố.

Nếu cộng đồng đều có ý thức tiêm tốt 3 mũi vaccine đầu tiên ở 2, 3 và 4 tháng tuổi và mũi nhắc lại vào lúc 18 tháng thì khả năng bao phủ của vaccine khá tốt, nguy cơ mắc bạch hầu trong cộng đồng sẽ rất hiếm xảy ra.

Tuy nhiên, với tình hình độ bao phủ vaccine ở một số vùng hiện nay vẫn chưa cao thì trẻ em sau khi tiêm đủ 4 mũi, đến hai mốc là 4, 5 tuổi và 10 tuổi nên tiêm nhắc lại một mũi, sau đó thì cứ 10 năm nhắc lại một mũi. Người lớn không nhớ lịch sử chích ngừa bạch hầu thì có thể chích ngừa một mũi.

Bệnh lây qua đường hô hấp nên mỗi cá nhân cần chủ động thường xuyên rửa tay và mang khẩu trang, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, vật dụng khi nhà có người bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm