Bài 2: Cân nhắc hiệu quả khi tính thuế TTĐB nước ngọt có ga không cồn

Như Pháp Luật TP.HCM thông tin ngày 6-3, dự thảo luật sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều phía sau kh­i được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến góp ý của dư luận. Vẫn tồn tại rất nhiều ý kiến trái chiều khi dự thảo nhắm vào việc lần đầu tiên nước ngọt có ga không cồn xuất hiện trong danh mục chịu 10% thuế TTĐB.

“Xa xỉ phẩm” luôn đi kèm thuế TTĐB

Theo một chuyên gia tài chính, dự thảo này Bộ Tài chính cũng có cái lý của nó. Đó là, một nguồn thu mới không nhỏ từ thuế TTĐB sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước. Thông thường các mặt hàng thuộc diện chịu thuế TTĐB ở Việt Nam và trên thế giời thường được liệt kê vào nhóm “xa xỉ phẩm” mặc dù “xa xỉ phẩm” đó chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng tiêu dùng nhỏ nhưng lại có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, phải là những hàng hóa được chứng minh có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường như: rượu bia, thuốc lá, xăng dầu... Nói cách khác, việc Nhà nước áp dụng thuế TTĐB có tác dụng điều chỉnh mức tiêu thụ, hạn chế nhập siêu, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo công bằng xã hội và sản phẩm đó không gây tác động đến số đông người có mức thu nhập trung bình và người có thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Câu hỏi đặt ra là thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn liệu có thực sự điều chỉnh mặt hàng này theo chiều hướng tích cực như với các đối tượng truyền thống khác như bia, rượu, ô tô, tàu bay, du thuyền và các dịch vụ xa xỉ như: kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng, đặt cược, xổ số... hay không.

 
Nền công nghiệp nước giải khát non trẻ của Việt Nam có thể sẽ có biến động lớn nếu bị áp thuế TTĐB.

 
Nước ngọt có ga đã trở thành một sản phẩm tiêu dùng phổ thông của mọi giới.

Có thực sự tăng thu ngân sách?

Sự thay đổi mạnh về lựa chọn của người tiêu dùng sẽ tác động trực tiếp tới nguồn thu của một loạt các loại thuế khác, đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp và nhà sản xuất. Bởi trong trường hợp mức tiêu thụ nước ngọt có ga không cồn giảm, doanh thu của các bên nói trên sẽ giảm và kéo theo đó là hụt nguồn thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu tác động môi trường, y tế, an ninh xã hội của việc áp thuế TTĐB lên nước ngọt có ga không được chứng minh thì khoản thu ngân sách nhà nước bị thâm hụt sẽ trở nên vô nghĩa. Nói cách khác, áp dụng thuế TTĐB cho nước ngọt có ga chưa chắc đã làm tăng thu ngân sách.

Chưa dừng lại ở đó, việc hụt nguồn thu ngân sách còn có thể phát sinh từ sự khác biệt giữa hệ thống thuế quan giữa các quốc gia láng giềng trong cùng một cộng đồng kinh tế. Đơn cử Liên minh châu Âu là một ví dụ, tại một số nước áp dụng thuế TTĐB cho nước giải khát không cồn, trong đó có nước ngọt có ga như Đan Mạch, Hà Lan, Pháp. Các chuyên gia kinh tế chứng kiến sự dịch chuyển rất rõ của mức tiêu thụ mặt hàng chịu thuế từ các nước này sang các nước láng giềng. Cụ thể, người dân các nước nói trên đã sang các nước láng giềng để mua nước ngọt có ga (không bị đánh thuế) với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Hiện tượng này đã giáng một đòn nặng nề đến doanh thu quốc dân của Đan Mạch. Kết quả là nước này cùng với Hà Lan đã bắt đầu lộ trình xóa bỏ thuế TTĐB cho nước giải khát không cồn từ năm 2013. Trong khi đó ở Pháp, nước có ngành công nghiệp nước giải khát đang rơi tự do kể từ khi loại thuế này được áp dụng trong những năm gần đây, hiện chưa có động thái gì. Ở một diễn biến khác, Bỉ đã bác bỏ dự thảo điều chỉnh thuế TTĐB cho nước ngọt có ga vào cuối năm 2013, sau một thời gian cân nhắc.

Trên bình diện Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước có mức tiêu thụ nước ngọt có ga thấp trong khu vực. Cần phải lưu ý rằng, về mặt địa lý Việt Nam là nước láng giềng của hai nước ASEAN đang áp dụng thuế TTĐB cho nước giải khát không cồn, trong đó có nước ngọt có ga là Lào và Campuchia. Trong hoàn cảnh ASEAN trên lộ trình xích lại gần nhau hơn với sự hình thành của khu vực kinh tế chung AEC 2015, Việt Nam đã, đang và sẽ hưởng lợi từ thương mại biên giới với mức chênh lệch giá các loại nước giải khát nói chung. Trong trường hợp nước ngọt có ga không cồn phải chịu thuế TTĐB, đóng góp của loại mặt hàng này vào doanh thu quốc dân vẫn sẽ được duy trì ở mức không nhỏ.

Định hướng tiêu dùng theo hướng tích cực?

Trong khi xa xỉ phẩm phục vụ nhu cầu của một nhóm nhỏ, thường có thu nhập cao và khi thu thuế TTĐB đối với các loại hàng hóa dịch vụ này sẽ mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể. Trong khi đó, nước ngọt có ga không cồn là một mặt hàng phổ thông, được người dân sử dụng rộng rãi, kể cả người có thu nhập thấp nên bất kỳ sự thay đổi nào về giá có thể gây chuyển biến mạnh về cầu. Từ đó người tiêu dùng với mức thu nhập trung bình trở xuống sẽ chuyển sang mua những mặt hàng thay thế mà cụ thể sẽ sử dụng nước ngọt không ga. Nếu trường hợp này xảy ra, lập luận bảo vệ sức khỏe cộng đồng sẽ bị lung lay đáng kể bởi hàm lượng đường trong các loại nước ngọt không có ga trên thực tế không hề thua kém nước ngọt có ga, thậm chí còn cao hơn. Trong khi về bản chất, nguy cơ gây béo phì do đường chính là một trong những đích ngắm của quyết tâm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của các nhà làm luật.

PHẠM NGA - NG.MẪN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm