Lời tòa soạn:
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã có bước phát triển vượt bậc từ sau đại dịch Covid-19, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của thành phố, nhất là trong các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025. Ngành du lịch tại TP.HCM đã và đang không ngừng định vị thương hiệu, trở thành điểm đến xanh, thân thiện, sống động trên mỗi hành trình đối với du khách.
Bài 1. Khách sạn xanh, giao thông xanh giữa lòng siêu đô thị TP.HCM
Từ lâu, Cần Giờ là cái tên vốn đã đi liền với biệt danh "lá phổi xanh của Sài Gòn". Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2000, đồng thời là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam trong mạng lưới 368 khu dự trữ sinh quyển toàn cầu. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hơn 150 loài thực vật, cùng nhiều động vật quý hiếm khác tạo nên sự đa dạng sinh học cho Cần Giờ, phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu khoa học. Khi nhắc đến du lịch xanh tại TP.HCM, người ta nghĩ ngay đến 'lá phổi xanh" nằm trong lòng thành phố.
Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26 tháng 9 năm 2022 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, nêu rõ phát triển du lịch Cần Giờ theo định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với những sản phẩm mang đặc trưng của thành phố biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, các điểm đến thuộc nhiều loại hình đặc sắc của vùng đất Cần Giờ với các trụ cột chính là du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng. Với định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững gắn liền với phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, thời gian qua, UBND huyện Cần Giờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch xanh dựa trên thế mạnh của mình. Cụ thể, huyện Cần Giờ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch xanh, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Trong các hoạt động du lịch, địa phương luôn chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương. Cạnh đó, lồng ghép việc tuyên truyền giúp người dân và du khách thực hành các hoạt động tiêu dùng xanh trong du lịch.
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn các kỹ năng, kiến thức chuyên môn về du lịch và công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và người dân địa phương” – ông Xuân nhấn mạnh.
Là một huyện thuộc TP.HCM nhưng Cần Giờ lại có những nét văn hóa đặc trưng rất khác biệt. Nơi đây mang trong mình vẻ đẹp của của một vùng sông nước, có nhiều mảng xanh. Đặc biệt, người dân Cần Giờ vẫn luôn có ý thức gìn giữ những nghề truyền thống từ thời cha ông để lại. Trong đó phải kể đến nghề làm muối, làm ruộng của người dân ấp đảo Thiềng Liềng.
Được mệnh danh là ' đảo nằm trong đảo', ấp đảo Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ hiện lên với hình ảnh của vùng quê thanh bình và mộc mạc. Vùng đất tưởng chừng chẳng có gì để níu chân du khách nhưng lại gây nhiều “thương nhớ” cho bất cứ ai khi đặt chân đến nơi đây bởi chính nếp sống bình dị, chất phác, đôn hậu của người dân mảnh đất này.
Cả ấp đảo được bao phủ bởi màu xanh mát của cây cối tươi tốt cùng nhiều loài hoa rực rỡ. Việc tham quan, khám phá ấp đảo dường như khá dễ dàng khi nơi đây chỉ có duy nhất một con đường độc đạo hình 'oval' dài 4 km với khoảng 243 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề làm muối, đánh bắt thủy hải sản.
Nghề muối là nghề kiếm sống chính của người dân nơi đây. Không chỉ thế, đây còn là một nét văn hóa đặc trưng tại Thiềng Liềng mà người dân luôn có ý thức bảo tồn và phát triển, bởi lẽ từ thuở khai thiên lập địa, người xưa đã chọn nghề muối là nghề gắn bó khi mới khám phá ra mảnh đất này.
Là một trong số những hộ gia đình đầu tiên khai hoang mở đất tại Thiềng Liềng, anh Nguyễn Ngọc Thơ (Chín Thơ), ngụ tại ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, cho biết, anh cùng nhiều bà con nơi đây vẫn luôn lưu giữ nghề làm muối truyền thống mà cha ông đã để lại từ bao đời.
“Làm nghề muối vất vả lắm, khi trời nắng mới làm được còn trời mưa thì lại thất thu nhưng bà con ở đây đều giữ lại cái nghề truyền thống như phần da, phần thịt không thể thiếu của mình”.
Những lúc mỏi mệt vì phải làm việc dưới nắng gắt, anh Chín Thơ và bà con lại cùng nhau cất tiếng hát để quên đi những khó khăn, mệt nhọc.
“Bà con ở đây dường như ai cũng biết hò, biết hát. Vì từ nhỏ đã được ông bà hướng dẫn những điệu hò, câu lý để mỗi lần làm việc mệt nhọc, mọi người lại dùng lời ca tiếng hát để lấy lại tinh thần làm việc” – Anh Chín Thơ chia sẻ.
Ngoài các nghề truyền thống, các hộ dân ở ấp đảo Thiềng Liềng còn phát triển thêm mô hình du lịch cộng đồng, gồm dịch vụ homestay, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực địa phương, tham quan một số danh thắng trên ấp đảo. Điều đặc biệt là mô hình du lịch cộng đồng tại đây vẫn lưu giữ những gì vốn có tại địa phương, không phát triển du lịch một cách quá đà, mang đến cho du khách hàng loạt trải nghiệm độc đáo gắn với cuộc sống, các hoạt động sinh kế, bảo tồn văn hoá của người dân địa phương.
Một trong những điều níu chân du khách khi đến với ấp đảo Thiềng Liềng đó chính là ẩm thực nơi đây. Tận dụng những gì sẵn có của thiên nhiên, người dân tại ấp đảo Thiềng Liềng làm ra rất nhiều món bánh dân gian từ nguyên liệu thuần tự nhiên, mang nét đặc trưng riêng có vùng Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, còn có nhiều thức uống do chính người dân bản địa tự tay chế biến thủ công, với nguyên liệu tự trồng trong vườn.
Đến ấp đảo Thiềng Liềng, du khách còn được thưởng thức những câu ca vọng cổ ngọt ngào của các nghệ nhân hòa cùng tiếng đàn kiềm, đàn sến và đàn ghi-ta đậm chất Nam Bộ.
Từ những căn tính văn hóa sẵn có, du lịch như một chất liệu để bồi đắp cho các giá trị văn hóa thêm dày dặn. Và du lịch cộng đồng chính là một phương cách để các giá trị tự nhiên và nhân văn tại điểm đến được lan tỏa rộng khắp.
Trong hai năm đi vào hoạt động, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng đã nhận được sự quan tâm và yêu thích của đông đảo du khách trên địa bàn Thành phố và được bình chọn là 1 trong 100 điều thú vị của TP.HCM tại hạng mục điểm đến thú vị năm 2023. Để tiếp tục phát triển điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng theo định hướng phát triển du lịch xanh, ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, huyện đang xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, đồng thời tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư về mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An.
Cạnh đó, địa phương đang chú trọng đến việc phát triển hạ tầng phục vụ khách du lịch, xây dựng phương án tiếp cận giao thông đường thủy từ ấp Thiềng Liềng đến nhà chốt bảo vệ rừng của các hộ tham gia giữ rừng và tăng cường mảng xanh tại các tuyến đường giao thông để du khách có thể cảm nhận bầu không khí trong lành nhất khi đặt chân đến đây.
Tại TP.HCM, rất nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được triển khai thực hiện và đem đến nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách ở mọi lứa tuổi.
Nông Trang Xanh tọa lạc tại huyện Củ Chi được bao phủ bởi một màu xanh mướt với những thảm thực vật trải dài tít tắp.
Đặc biệt, nơi đây còn ưu tiên sử dụng các sản phẩm nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu như pin năng lượng mặt trời, các dụng cụ tái chế.
Đến đây, ngoài việc tham quan các vườn rau, cây trồng xanh tươi, được chăm sóc tỉ mỉ thì du khách còn có thể tham gia trải nghiệm một ngày làm nông dân thực thụ thông qua các hoạt động thú vị như: tự tay nhặt trứng vịt, vắt sữa bò, trồng rau, thu hoạch củ mì,... Điều đặc biệt là ở đây cả người lớn và trẻ em đều có thể trải nghiệm các hoạt động thú vị này.
Tham quan tại Nông Trang Xanh, em Lê Hiểu Minh - Trường TH - THCS - THPT Tre Việt bày tỏ sự hào hứng và thích thú khi được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị.
“Hôm nay đến đây con cảm thấy rất vui vì được tham gia nhiều hoạt động thú vị. Con được hướng dẫn về việc phải biết bảo vệ môi trường, yêu thương các loài vật. Khi yêu thương cây cối và loài vật xung quanh mình thì chúng sẽ yêu thương chúng ta” – Em Lê Hiểu Minh hào hứng.
Không chỉ tại huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi mà rất nhiều địa phương khác tại TP.HCM thời gian gần đây phát triển mạnh mẽ mô hình du lịch xanh. Ở TP Thủ Đức có thể kể đến mô hình của Suối Tiên Farm. Tại đây, du khách có thể hái trái thưởng thức tại vườn và mua mang về những sản phẩm trái cây ngon, sạch, an toàn.
Tất cả những cây trồng ở Suối Tiên Farm đều được tưới nước sạch, không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả trái cây đều được bọc bởi những lớp túi lưới thay vì phun thuốc trừ sâu để tránh côn trùng. Vì thế, du khách hoàn toàn có thể hái trái và thưởng thức ngay tại vườn mà không cần phải rửa lại.
Bà Bùi Thị Tố Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Văn hóa Suối Tiên cho biết, ngoài hướng tới mô hình nông trại sạch, an toàn cho sức khỏe thì việc mang lại bầu không khí trong lành, một không gian tươi mát như miền quê cho du khách là điều mà bà cùng các cộng sự đang thực hiện.
“Du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng và du lịch xanh nói chung đang là xu thế tất yếu đối với Việt Nam và cả thế giới. Vì thế, chúng ta cần phải nắm bắt để xây dựng và khai thác hiệu quả…” – bà Trinh chia sẻ thêm.
Thời gian qua, những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã phát triển mạnh mẽ tại các địa phương ở TP.HCM. Đây cũng chính là xu hướng phát triển của du lịch TP.HCM trong thời gian tới, góp phần vào việc tạo sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại thành phố này.