Xây dựng Đà Nẵng đẳng cấp châu Á

Bài 2: Đô thị biển quốc tế Đà Nẵng

(PLO)- Cạnh việc xây dựng cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng đang tham vọng đưa công xưởng du thuyền châu Âu về TP này.

Với lợi thế sát biển và điều kiện tự nhiên bao trọn vịnh Đà Nẵng, TP này được định hướng trở thành TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên.

Cảng Tiên Sa sẽ đạt tối đa công suất chỉ trong vài năm tới. Ảnh: TẤN VIỆT

Nhanh chóng khởi công cảng Liên Chiểu

Báo cáo mới nhất của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, trong tương lai, sự gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến cảng Đà Nẵng là chắc chắn, nên việc phát triển cảng Liên Chiểu là cần thiết.

Việc xây dựng cảng Liên Chiểu góp phần tăng cường vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistics quốc tế quan trọng.

Theo JICA, Đà Nẵng nên nghiên cứu năng lực đường bộ bao gồm hiện trạng cải tạo đường bộ, đồng thời cần thống nhất giai đoạn chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu.

Hiện, tổng lượng hàng hóa qua cảng Tiên Sa tăng trưởng trung bình 13%/năm, riêng hàng container tăng trưởng đến 20%/năm trong suốt 10 năm qua. Như vậy, cảng Tiên Sa sẽ đạt tối đa công suất chỉ trong vài năm tới.

Trong khi đó, cảng Liên Chiểu dự kiến được phát triển và khai thác theo từng tiến độ. Đến năm 2026 là hai bến cảng, năm 2031 là bốn bến cảng, năm 2035 là năm bến cảng và năm 2038 là sáu bến cảng.

JICA cho rằng Đà Nẵng nên quy hoạch phân khu cảng Liên Chiểu trong quy hoạch chung, tổng diện tích khoảng 1.285 ha, dân số dự kiến khoảng 19.000 người.

Cơ quan này cũng đề xuất kế hoạch sử dụng đất tại khu đô thị cảng Liên Chiểu như: Khu hậu cần cảng ở phía Bắc khoảng 12 ha, Khu dân cư khoảng 24 ha, Khu Thương mại dịch vụ ở phía Đông khoảng 16 ha…

Cũng theo JICA, Đà Nẵng cần tiến hành một số nghiên cứu bổ sung đối với phương án bố trí cho đê chắn sóng, cát thải và đất bồi lắng ở cửa sông để có được phương án bố trí cảng tối ưu.

Ngoài ra, trong quy hoạch mạng lưới đường sắt và ga hàng hóa mới, Đà Nẵng cần nghiên cứu cụ thể hơn mạng lưới đường sắt đến cảng Liên Chiểu.

Được biết, dự án cảng Liên Chiểu thực hiện theo hình thức đầu tư công với tổng vốn khoảng hơn 3.400 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là gần 3.000 tỉ đồng, còn lại sử dụng ngân sách của Đà Nẵng.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2025. Giai đoạn 1 của dự án (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) đã được bố trí vốn Trung ương 200 tỉ đồng.

Đến nay, Đà Nẵng đã báo cáo Bộ GTVT thống nhất mặt bằng quy hoạch bến cảng, triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500, trong đó có lấy ý kiến các cơ quan liên quan và cộng đồng dân cư.

TP này cũng đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ TN&MT thẩm định, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng cảng Liên Chiểu.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu đang được TP tích cực triển khai.

"Đà Nẵng phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ khởi công dự án", ông Quảng nói.

Đà Nẵng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng trở thành đô thị biển quốc tế. Ảnh: TẤN VIỆT

Tham vọng đóng du thuyền cho cả châu Á

Tìm hiểu của PV, giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2045, TP Đà Nẵng có 19 dự án ưu tiên đầu tư công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 6.850 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Trong đó, vốn đầu tư cho công nghiệp là 4.500 tỉ đồng, vốn đầu tư cho dịch vụ là 2.350 tỉ đồng. Tổng nhu cầu sử dụng đất phát triển công nghiệp du thuyền là 73,67 ha.

Phía tư vấn xây dựng đề án phát triển công nghiệp du thuyền Đà Nẵng cho hay, về hiệu quả đề án, doanh thu từ các dịch vụ bến du thuyền ước tính trong giai đoạn 2022-2025 là 1.000 tỉ đồng/năm. Từ năm 2026-2030 là 8.000 tỉ đồng/năm và sau năm 2030 ước tính 15.000 tỉ đồng/năm. Đây là con số không nhỏ đóng góp và ngân sách và tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Việt (Vietyacht) cho biết, Đà Nẵng có tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ du thuyền. Bởi, đề án xây dựng đúng thời điểm mà ngành du thuyền thế giới đang phát triển mạnh nhất. Toàn ngành du thuyền thế giới hiện đang rơi vào tình trạng cháy hàng, quá tải đơn hàng đến tận năm 2026-2027.

“Các hãng du thuyền lớn đều chưa có nhà máy đặt tại châu Á vì sợ lộ công nghệ và thiết kế. Việc đưa du thuyền từ châu Âu sang châu Á cũng rất tốn chi phí vận chuyển. Hiện một số hãng du thuyền ở châu Âu muốn tìm địa điểm đặt công xưởng ở châu Á, đây cơ hội tuyệt vời cho Đà Nẵng”, ông Thuận nhận định.

Tuy nhiên theo ông Thuận, việc đưa du thuyền vào Việt Nam đang có những thủ tục quá rườm rà, phức tạp. Do đó cần đơn giản hóa thủ tục để có thể kết nối, đưa được nhiều siêu du thuyền về với Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn, cho hay đã đề nghị phía tư vấn lưu ý cập nhật thêm các ý kiến chuyên gia để chỉnh sửa, hoàn thiện đề án này.

Đồng thời, Đà Nẵng sẽ tổ chức một cuộc hội thảo mở rộng về công nghiệp du thuyền, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành cả trong nước và quốc tế nhằm thu nhận ý kiến đóng góp cho TP phát triển mạnh mẽ, đúng hướng trong lĩnh vực mới mẻ này.

Dự án đường bộ ven biển hơn 1200 tỉ đồng

HĐND TP Đà Nẵng vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường bộ ven biển nối cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân với chiều dài khoảng 2,95 km, quy mô sáu làn xe. Dự án có hai nút giao khác mức bằng cầu vượt, gồm một nút giao đầu tuyến với Quốc lộ 1 cũ và đường sắt Bắc - Nam hiện hữu, một nút giao cuối tuyến với đường tránh Nam Hải Vân, cầu qua kênh theo quy hoạch, mở rộng cầu Liên Chiểu cũ và đường dẫn hai đầu cầu. Bên cạnh đó, đường vào Suối Lương sẽ được xây dựng hầm chui. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.203 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương (500 tỉ đồng) và ngân sách TP.

Bài cuối: Thành phố đẳng cấp châu Á.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới