Trả lại không gian bờ biển Đà Nẵng - Bài cuối

Bài học của nhiều địa phương dành bờ biển cho cộng đồng

(PLO)- Nhiều tỉnh, thành như Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành thu hồi các dự án ven biển để trả lại bờ biển cho cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên những số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh về tình trạng số lượng dự án ven biển rất lớn đang nằm chắn ngang bờ biển khiến không gian biển ở Đà Nẵng bị bóp nghẹt. Trong khi đó, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành thu hồi các resort, khách sạn, tháo dỡ hàng trăm kiốt sát biển để trả lại không gian biển cho cộng đồng.

Bình Định: Di dời khách sạn, trả lại không gian bờ biển

Chiều 27-7, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang thực hiện việc di dời ba khách sạn (KS) là Bình Dương, Hải Âu và Hoàng Yến nằm bên bờ biển Quy Nhơn. Những KS này tọa lạc trên các khu đất vàng giá trị rất cao bởi nằm ngay bên bờ biển, trên con đường đẹp nhất TP Quy Nhơn nhưng lại đang che chắn tầm nhìn ra biển. Vì vậy, tỉnh tiến hành giải tỏa để trả lại không gian cho cộng đồng.

Trước đó, năm 2019, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt bổ sung, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn, trong đó có nội dung các KS trên đến hết thời gian cho thuê đất phải di dời, trả lại mặt bằng để tỉnh xây dựng công viên, tạo cảnh quan biển phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh việc di dời ba KS nói trên, hiện nay các ngành chức năng của tỉnh Bình Định đang triển khai mạnh các biện pháp để “dẹp” tình trạng người dân buôn bán hàng quán tại các khu vực bãi biển như Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn).

Theo tìm hiểu, bờ biển Bãi Xép được UBND tỉnh Bình Định quy hoạch về phát triển du lịch cộng đồng, chỉ được hoạt động các homestay, sinh thái biển và trải nghiệm tham quan bãi biển, trải nghiệm văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều hộ dân đã lấn chiếm không gian bãi biển Bãi Xép để kinh doanh ăn uống.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP Quy Nhơn, chính quyền phường Ghềnh Ráng đã triển khai lực lượng để “dẹp” tình trạng lấn chiếm bãi biển nói trên, trả lại không gian cho bãi biển.

Khánh Hòa: Quyết tâm trả lại bãi biển cho cộng đồng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết chủ trương chung của tỉnh quy hoạch phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang sẽ là dải công viên ven biển phục vụ công cộng, thu hút du khách và phát triển du lịch biển bền vững. Để thực hiện được chủ trương này, trong thời gian qua UBND tỉnh đã thu hồi những dự án chắn biển, lấn biển không phù hợp với quy hoạch và chậm tiến độ.

Cụ thể, UBND tỉnh đã thu hồi dự án khu nghỉ mát Evason Ana Mandara, trả lại 28.000 m2 bãi biển, 10.000 m2 mặt nước biển để phục vụ cộng đồng. Ngoài khu nghỉ mát trên, tỉnh Khánh Hòa còn thu hồi hơn 21.700 m2 tại dự án Công viên Phù Đổng để phục vụ cộng đồng.

Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa cũng thu hồi dự án Công viên Nha Trang Sao. Hiện UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh về việc di dời Nhà nghỉ dưỡng 378 của Bộ Công an ra khu vực bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm. Đây là nơi nghỉ dưỡng cho các cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động và phục vụ các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong ngành công an.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết ban đầu UBND tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi các dự án trên do gắn liền với quyền lợi của các nhà đầu tư. Cùng với đó là các thủ tục phức tạp trong việc thu hồi dự án. “Tuy nhiên, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh với sự quyết tâm đã chỉ đạo sát sao qua nhiều cấp, nhiều kênh cùng với sự vận động đã tạo được sự đồng thuận, thuận lợi trong việc thu hồi” - ông Hà chia sẻ.

Tại buổi làm việc với đơn vị tư vấn đồ án thiết kế quy hoạch phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng hồi cuối tháng 3-2023, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã thống nhất xây dựng Bảo tàng Văn hóa lịch sử A.Yersin. Ông Tuân cũng đề nghị đơn vị tư vấn có phương án kết nối tuyến đi bộ từ cồn Tân Lập đến Công viên A.Yersin dẫn vào bảo tàng.

Khánh Hòa sẽ quy hoạch phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang sẽ là dải công viên ven biển phục vụ công cộng, thu hút du khách. Ảnh: HUỲNH HẢI

Khánh Hòa sẽ quy hoạch phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang sẽ là dải công viên ven biển phục vụ công cộng, thu hút du khách. Ảnh: HUỲNH HẢI

Tại cuộc họp này, ông Tuân cho biết chủ trương của tỉnh sẽ biến dự án Nha Trang Sao thành công viên. Sau đó, xây dựng cầu đáy kính bắc qua đảo Hòn Đỏ. “Đây sẽ là điểm check-in yêu thích của các bạn trẻ” - ông Tuân nói.

Ông Tuân cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét tính toán thêm về các khu vực bãi đậu xe và tuyến đường xe đạp 18 km. Đồng thời, UBND TP Nha Trang sau khi lấy ý kiến của người dân phải khẩn trương thực hiện, đảm bảo thiết kế cảnh quan hài hòa, thông thoáng đối với các công trình cải tạo như nhà hàng Bốn Mùa, Sailing Club. “Tôi đề nghị sau này có sửa chữa cũng phải dựa vào quy hoạch đồ án thiết kế phía đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng đúng theo quy định pháp luật” - ông Tuân nói.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Không cấp phép cho dự án che chắn tầm nhìn ra biển

Mới đây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành quyết định thu hồi đất (diện tích khoảng 28 ha) của chín doanh nghiệp (DN) đang thuê kinh doanh ở Bãi Sau, TP Vũng Tàu.

Biển Bãi Sau, TP Vũng Tàu là một trong những bãi biển đẹp, nổi tiếng và thu hút đông du khách mỗi dịp, lễ tết. Từ năm 1996, để phục vụ tốt hơn cho khách du lịch tỉnh đã quy hoạch, lập dự án, giao cho Công ty Đầu tư xây lắp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư xây dựng dự án bãi tắm Thùy Vân.

Sau đó, khi được phép, DN này đã làm hạ tầng và cho các DN thứ cấp thuê lại mặt bằng để kinh doanh. Các DN thứ cấp cũng đã xây dựng cơ sở lưu trú, nhà hàng, kinh doanh dịch vụ, hình thành các bãi tắm có thu phí du khách sử dụng… Tuy nhiên, đến năm 2018 tỉnh cho tiến hành thanh tra, kết luận các DN kinh doanh tại đây còn nợ số tiền thuế lớn cùng một số vi phạm khác.

Với mong muốn chỉnh trang lại khu vực này, tạo một không gian biển công cộng cho người dân ở phía sát biển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành quyết định thu hồi đất của chín DN đang thuê kinh doanh. Hiện một số DN đã bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, còn một DN đang tiếp tục khiếu nại. Các DN khác đang chờ phương án bồi thường, hỗ trợ mới tỉnh sắp phê duyệt để bàn giao mặt bằng. Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, TP Vũng Tàu đã cho chỉnh trang lại để tạo thêm không gian công cộng phục vụ người dân, du khách.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định mong muốn của tỉnh là chỉnh trang trục đường Thùy Vân - Bãi Sau, tạo thêm không gian xanh cho công cộng, điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, có thêm các khu vực thương mại, dịch vụ để phục vụ du khách, nâng tầm phát triển du lịch khu vực này, không cấp phép cho các dự án mới tại đây che chắn tầm nhìn hướng ra biển…

Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi công tác thu hồi mặt bằng hoàn tất, tỉnh sẽ tiến hành chỉnh trang phía trên mặt đất tạo không gian công cộng phục vụ người dân, du khách. Ngoài ra, tỉnh sẽ có phương án đấu giá đất nhằm khai thác tốt phần đất ngầm ở khu vực này để có thêm các dịch vụ cho du lịch. Trước mắt, tỉnh giao TP Vũng Tàu có phương án sử dụng tạm các diện tích đã thu hồi trong thời gian chờ đấu giá.•

Thanh Hóa đón hàng ngàn lượt khách đến với biển

Những năm gần đây, lượng du khách đến với TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngày càng tăng. Trong sáu tháng đầu năm 2023, TP Sầm Sơn đón 5,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 9.100 tỉ đồng.

Nói về lợi thế của TP biển Sầm Sơn, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, khẳng định Sầm Sơn được biết đến là nơi “sơn kỳ, thủy tú”, với bãi biển đẹp, núi non trùng điệp, khí hậu trong lành, cùng nhiều di tích, danh thắng kỳ thú, đã tạo nên những giá trị văn hóa, du lịch độc đáo, nổi trội, mang bản sắc riêng biệt.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, TP Sầm Sơn đón 5,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 9.100 tỉ đồng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Trong sáu tháng đầu năm 2023, TP Sầm Sơn đón 5,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 9.100 tỉ đồng. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo ông Tuấn, những năm gần đây, được sự quan tâm của trung ương, của tỉnh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của Sầm Sơn được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Nhiều dự án lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng; văn hóa du lịch chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, thân thiện. Với các giải pháp căn cơ từ không gian bờ biển và chuyển biến mạnh mẽ trong diện mạo đô thị, chất lượng dịch vụ du lịch Sầm Sơn với những sản phẩm du lịch đặc sắc, cùng với những nhà đầu tư cũng đã làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị du lịch ngày nay.

“Từ đó, tỉnh đã phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, cải thiện mạnh mẽ hình ảnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước” - ông Tuấn cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm