Video: Đà Nẵng: Cần quyết liệt trả lại không gian biển cho người dân! |
Đà Nẵng từng được tạp chí Forbes đưa vào danh sách TP có bãi biển đẹp nhất hành tinh. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng được tạp chí lừng danh này vinh danh. Thực tế trên thế giới và các TP trong khu vực ít có bãi biển nào đẹp và trong lành như Đà Nẵng. Cũng nhờ có bờ biển đẹp, trong lành và hiền hòa nên Đà Nẵng mới có danh xưng: TP biển...
Thế nhưng, thực tế đang tồn tại một số nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi… và các dự án đã phân lô nằm ngay bờ biển lấn chiếm cả bãi cát, chắn cả mặt tiền TP vốn là một quy hoạch “lỗi” trước đây. Đây cũng chính là một thách thức cho TP trong định hình phát triển kinh tế và du lịch biển trong tương lai.
Những năm qua, sự đóng góp của biển vào thu nhập của người dân và cả ngân khố của TP là rất lớn. Du khách đến với Đà Nẵng thường là đến với biển và người dân đi xa nhớ về TP cũng nghĩ về biển. Tính chất cộng đồng văn hóa biển gắn bó vào xương thịt người Đà Nẵng.
Bài toán lấy lại không gian biển cho người dân từng được TP đặt ra và thực hiện, như mở lối ra biển giữa các dự án. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng từng đề nghị các sở, ban ngành căn cứ theo chủ trương, từ bờ biển vào 50 m là khu vực chung của cộng đồng. Thế nhưng, các giải pháp này chưa thật sự hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, du khách và chưa hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp.
Tài nguyên bờ biển của Đà Nẵng là có hạn nếu không khai thác để phát triển thì quá uổng phí. Tuy nhiên, cần phải có quy hoạch bài bản theo hướng không gây ra xung đột với quyền lợi của người dân, du khách.
Gần đây, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiên phong lấy lại không gian biển cho người dân bằng cách thu hồi các khách sạn ven biển, tháo dỡ hàng trăm kiốt sát biển. Việc làm này nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân.
Vậy làm thế nào để Đà Nẵng ứng xử hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân? Trước mắt cần dừng ngay việc cấp mới dự án sát biển và có cơ chế kiểm soát chặt việc quy hoạch bờ biển.
Với các dự án đã được cấp phép nhưng chưa triển khai thì thương lượng với nhà đầu tư để tìm cách đổi đất. Việc đổi đất này TP đã từng làm thành công với Công viên APEC. Với các dự án, nhà hàng, tổ hợp vui chơi… gần hết thời hạn thuê đất thì thanh lý sớm hợp đồng, giới thiệu đất khác cho nhà đầu tư…
Như một số chuyên gia đã gợi ý, việc phát triển mặt tiền biển phải mở ra cơ hội phát triển của khu vực phía sau, không án ngữ xuyên suốt như bức tường thành kiên cố; hạn chế công trình cao tầng tạo thành vách bê tông dọc bờ biển, bảo đảm hành lang tầm nhìn các khu vực hướng sông và mặt biển được thông thoáng.
Nhưng để đạt được các mục tiêu trên, trả lại không gian biển cho người dân, hài hòa lợi ích của các bên… đã đến lúc lãnh đạo TP Đà Nẵng cần hoạch định một cách khoa học, làm quyết liệt, dứt khoát và hiệu quả.