Quy hoạch Đà Nẵng: Xây dựng đô thị sân bay, mở rộng không gian biển

Quy hoạch Đà Nẵng: Xây dựng đô thị sân bay, mở rộng không gian biển

(PLO)- Hai nội dung đáng chú ý và là xu hướng tất yếu trong quy hoạch TP Đà Nẵng là hướng tới xây dựng đô thị sân bay và mở rộng không gian biển.

Ngày 15-3-2021, Thủ tướng có Quyết định 359 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Quy hoạch mới chia Đà Nẵng thành 12 phân khu đô thị, hiện TP triển khai thành 19 đồ án quy hoạch phân khu và đang lần lượt công khai các dự thảo đồ án để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Di dời sân bay Đà Nẵng là không khả thi

Theo báo cáo của sân bay Đà Nẵng trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, sản lượng hàng hóa đạt 40.660 tấn/năm, đạt hơn 15,5 triệu hành khách/năm. Mỗi ngày, sân bay Đà Nẵng phục vụ 150-180 chuyến bay cất/hạ cánh và khoảng 50.000 lượt khách thông qua nhà ga.

Dự báo sản lượng vận tải thông qua cảng hàng không này giai đoạn 2021-2030 tiếp tục tăng trưởng.

Để đáp ứng nhu cầu dự báo sản lượng vận tải hàng không, Đà Nẵng tiếp tục đề xuất nâng cấp sân bay đạt công suất 30 triệu hành khách/năm.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, một số chuyên gia của Bộ Xây dựng từng đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng để lấy đất phát triển địa ốc nhưng nếu di dời thì vị trí mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Đà Nẵng là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, không thể bỏ hẳn sân bay và nếu di dời ra ngoài Đà Nẵng thì cũng không nên.

Theo các chuyên gia, cần tính toán phát triển đô thị sân bay đà nẵng thay vì di dời nó. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo các chuyên gia, cần tính toán phát triển đô thị sân bay đà nẵng thay vì di dời nó.
Ảnh: TẤN VIỆT

“Tất cả vị trí được đề xuất đều không ổn, như ý tưởng lấy sân bay Chu Lai hoặc Phú Bài làm sân bay cho Đà Nẵng. Bởi đặt một sân bay ngoại tỉnh phục vụ cho một đô thị có tầm vóc như Đà Nẵng là không hợp lý. Hay như đề xuất đưa sân bay ra bán đảo Sơn Trà, làm sân bay trên vịnh Đà Nẵng… đều không thuyết phục. Nếu không tìm được vị trí nào đạt yêu cầu thì phải giữ lại chỗ cũ” - ông Sơn nói.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho hay việc di dời sân bay về Chu Lai (Quảng Nam) hoặc nơi khác, cách xa trung tâm TP là không khả thi và không phù hợp với xu hướng phát triển của các đô thị trên thế giới. Với tiến bộ kỹ thuật hàng không và phương pháp quy hoạch tiên tiến, Đà Nẵng có thể phát triển theo mô hình “đô thị sân bay” như Changi - Singapore hay Doha - Qatar.

“Nếu quy hoạch đô thị quanh sân bay có quy mô và định hướng phát triển phù hợp thì vẫn có thể tiếp tục nâng cấp, phát triển sân bay lâu dài, đồng thời sân bay sẽ trở thành động lực phát triển cả vùng đô thị xung quanh. Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng đã nhận thấy việc quy hoạch sân bay tách rời quy hoạch đô thị sẽ dẫn tới tắc nghẽn, hạn chế thoát nước và tốn kém cho các kế hoạch phát triển khu vực về sau” - ông Phong cho hay.

Mô hình đô thị sân bay

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng quan điểm sân bay phải xa đô thị là lạc hậu. Xu hướng của thế kỷ 21 là sân bay có thể phát triển hài hòa, gắn kết chặt chẽ với đô thị. Khu vực gần nhà ga còn có thể làm nhà cao tầng, khách sạn, văn phòng, thậm chí là trung tâm giải trí.

Dẫn ví dụ đô thị sân bay tại Amsterdam - Hà Lan, ông Sơn khẳng định Đà Nẵng có điều kiện để làm đô thị sân bay. Trong đó, điều kiện tiên quyết là quy hoạch sân bay và quy hoạch đô thị phải được tiến hành cùng lúc để có thể cân nhắc những yếu tố phát triển giữa hai bên.

Theo ông Sơn, đứng từ quan điểm quy hoạch sân bay gắn liền với quy hoạch đô thị, phải thấy rằng nhà ga mới làm cùng một phía chỉ tiện cho sân bay nhưng sẽ tạo áp lực lớn cho đô thị.

Đô thị sân bay chính là làm nhà ga mới ở bên kia đường băng, dù tốn kém hơn nhưng giảm mạnh chi phí cho việc kết nối đô thị. Về việc hình thành đơn vị ở trong ranh đô thị sân bay, ông Sơn cho rằng hoàn toàn có thể làm được, vấn đề là cách quản lý của chính quyền địa phương.

“Phải xem đơn vị ở đó là cho ai ở. Chắc chắn là không nên phân lô, bán nền. Nếu khu ở đó dành cho những người phục vụ trong sân bay thì quá tốt. Ví dụ tiếp viên, phi công thay vì ra ngoài thuê khách sạn thì họ chỉ cần tuyến xe buýt từ chỗ làm về khu ở. Lý tưởng nhất là không bán mà chỉ cho thuê hay cấp cho ở, chừng nào anh còn làm việc trong sân bay thì anh được ở, không làm nữa thì trả nhà đi chỗ khác, không khuyến khích chuyện tư hữu bất động sản trong sân bay” - ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho hay phải tái thiết sân bay Đà Nẵng theo mô hình đô thị sân bay. Ở đây không chỉ là đơn vị ở mà còn là thương mại, dịch vụ để phục vụ du lịch.

“Quan điểm di dời sân bay ra ngoại thành đã lỗi thời, mục tiêu bây giờ là tiết kiệm quỹ đất và tái thiết đô thị hoạt động quy mô hơn, tầm cỡ hơn. Đà Nẵng phải giãn dân ra các khu đô thị chức năng và phải hiểu một đô thị sân bay là bao gồm cả thương mại và đơn vị ở” - ông Loan nói.•

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:

Hầm chui qua sân bay ứng phó ngập lụt thế nào?

Đường hầm qua sân bay trên thế giới có rất nhiều, điển hình ở Paris, Madrid hay Bắc Kinh.

Việc sợ ngập có rất nhiều cách giải quyết. Có những biện pháp an toàn và dễ làm, ví dụ lối ra vào hầm không làm bằng phẳng đi xuống liền mà nhô lên để tạo mớn nước hai đầu hầm.

Đây là vấn đề kỹ thuật hoàn toàn giải quyết được. Cùng với đó là xây dựng những hồ điều tiết ngầm. Khi nước mưa tràn vào thì khởi động hệ thống bơm cưỡng bức thải ra các hồ điều tiết ngầm, từ đó bơm ra sông, ra biển và chuyện này không có gì khó về mặt kỹ thuật. Làm được như vậy, ngay cả nội thành Đà Nẵng có ngập hết thì đường hầm này cũng không ngập.

Ông PHÙNG PHÚ PHONG, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng:

Giá trị của đô thị sân bay

Quy hoạch phân khu sân bay có định hướng không chỉ khai thác tiềm năng của sân bay Đà Nẵng mà còn đảm bảo khớp nối đồng bộ với quy hoạch đô thị xung quanh. Điều này giúp kiểm soát mật độ và chiều cao đô thị phù hợp với nhu cầu phát triển sân bay. Đồng thời là động lực giúp khu vực xung quanh trở thành đô thị sân bay, là vệ tinh phát triển của TP với đầy đủ chức năng từ dịch vụ, thương mại, khách sạn, nhà ở, văn phòng, trung tâm giải trí, logistics, cân đối lợi ích kinh tế của cộng đồng với các đơn vị, tổ chức liên quan.

KTS BÙI HUY TRÍ, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng:

Hài hòa lợi ích trong kiểm soát chiều cao công trình ven biển

Việc kiểm soát chiều cao công trình ven biển là cần thiết nhưng cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Quy chế quản lý kiến trúc là một công cụ rất khách quan nhưng cũng phải xem xét yếu tố lịch sử. Bởi một khu đất đã giao mà sau này TP đơn phương yêu cầu giảm chiều cao thì đụng chạm đến quyền lợi của nhà đầu tư. Do đó, ngành chức năng cần xem xét từng trường hợp, từng khu vực cụ thể dựa trên lịch sử để đưa ra quy định phù hợp, công bằng nhất.

Ông NGUYỄN CỬU LOAN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng:

Cần quy định rõ chiều cao xây dựng trên 80 m

Bản quy chế này sau khi được thông qua cần đi vào chi tiết, tỉ mỉ rằng khu vực nào, tuyến đường nào của quận đó thì được xây trên 80 m. Điều này có lợi cho cả cơ quan cấp phép và nhà đầu tư. Bởi nhà đầu tư nhìn vào bản đồ có thể biết ngay vị trí mình muốn xin đầu tư được xây tối đa bao nhiêu tầng, từ đó có những hoạch định chiến lược đầu tư cụ thể. Cơ quan quản lý cũng thuận lợi hơn trong việc kêu gọi đầu tư các dự án trong tương lai.

Đọc thêm