PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết Trường ĐH Cần Thơ có tên ban đầu là Viện ĐH Cần Thơ với 985 sinh viên.
Đến nay trường là một trong những trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực ở Việt Nam có cấu trúc ổn định với 16 khoa, ba viện nghiên cứu, 18 trung tâm, 15 phòng ban chức năng.
Hiện trường đã phát triển 96 chuyên ngành đào tạo ĐH với khoảng 56.000 sinh viên, 38 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 15 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với quy mô gần 4.000 học viên…
PGS-TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết trường xếp thứ 39 trong 100 trường ĐH hàng đầu Đông Nam Á. Ảnh: N.NAM
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chúc mừng ĐH Cần Thơ xếp thứ 39 trong các trường ĐH ở Đông Nam Á, ngay sau ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Với truyền thống 50 năm phát triển và trưởng thành, tôi mong Trường ĐH Cần Thơ sẽ là một trong những ĐH đi đầu trong đổi mới giáo dục để ĐH Cần Thơ đảm bảo tiêu chí là một trong những trường ĐH trọng điểm, đứng trong tốp đầu cả nước, có thứ hạng ngày càng cao trong khu vực, đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: N.NAM
Nhân dịp này, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ hai) cho Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: N.NAM
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng nhắn gửi tới các sinh viên phải là những người giỏi chuyên môn, tay nghề để xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, giữ vũng độc lập, chủ quyền quốc gia. Đồng thời, ông cũng nhắn nhủ sinh viên đừng quên mình là người có học trong mọi hành vi kể cả trong nhà trường hay ngoài xã hôi.
PLO xin lược trích đoạn nói chuyện của Phó Thủ tướng với sinh viên tới bạn đọc:
Ngày nay các bạn có kiến thức và hiểu biết hơn tôi, thế hệ chúng tôi rất nhiều. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, cơ hội để học tập, nghiên cứu, tự học tập, nghiên cứu vô cùng thuận lợi. Cũng có nhiều yếu tố chi phối và lôi kéo, đòi hỏi các bạn sinh viên phải xác định rõ mục tiêu học tập.
Đất nước của chúng ta còn rất nghèo và lạc hậu. Nghèo không có nghĩa là không giữ được độc lập, không giữ được chủ quyền nhưng chắc chắn rằng nếu kinh tế phát triển, nếu đất nước giàu hơn, gìn giữ độc lập, chủ quyền sẽ tốt.
Các bạn phải có khát vọng vươn lên, lập thân, lập nghiệp giỏi, giỏi chuyên môn, giỏi kỹ năng nghề. Tấm bằng đại học, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ sẽ là không đủ, thậm chí không ý nghĩa nếu các bạn không thật sự giỏi.
Đừng lấy lý do vì nhà trường, vì thầy cô, vì gia đình hay vì kinh tế, hay vì bất kỳ lý do nào khác. Bởi trong điều kiện tương tự những bạn khác vẫn nỗ lực vươn lên. Và dù còn nhiều khó khăn nhưng điều kiện học tập ngày nay tốt hơn rất nhiều so với trước đây, nhất là Internet đã rất rộng mở.
Hôm qua tôi mới đọc một báo cáo, trong đó kết quả thống kê cho thấy các bạn trẻ Việt Nam dành thời gian lên mạng nhiều gấp 3,5 lần các bạn trẻ trên thế giới. Nếu số thời gian trên mạng đó chỉ để tâm sự, “tám” với nhau thì các bạn chỉ cần dành một phần trong thời gian đó tìm hiểu kiến thức, bài học chắc các bạn học giỏi hơn, chắc chắn đất nước phát triển nhanh hơn.
Các bạn có thể sống hết mình khi còn là sinh viên, tham gia tất cả hoạt động nhưng hãy luôn tự nhủ mình là sinh viên đại học. Phải làm người tốt, phải làm người tử tế là đương nhiên nhưng quan trọng hơn hãy thể hiện mình là người có học.
Các bạn đừng bao giờ quên mình là người có học trong mọi hành vi kể cả trong nhà trường hay ngoài xã hội.