Cuộc biểu tình được tổ chức bởi Hiệp hội Sinh viên Việt Nam tại Philippines (AVSP) cùng Phong trào và Liên minh phản đối sự hung hăng của Trung Quốc (MARCHA) do cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez làm chủ tịch.
Cuộc biểu tình kêu gọi người dân Việt Nam và Philippines chung tay chống lại hành động bành trướng và quân sự hóa của Trung Quốc ở các khu vực tranh chấp.
Tính đến 12 giờ trưa cùng ngày, càng lúc càng đông người tham gia cuộc biểu tình. Không những sinh viên Việt Nam và Philippines, nhiều sinh viên đến từ Indonesia, Sri Lanka, Campuchia, Đông Timor, Myanmar, và Hàn Quốc đã tham gia cuộc biểu tình, kêu gọi Trung Quốc dừng quân sự hóa ở biển Đông và tôn trọng tự do hàng hải.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose không đưa ra bình luận về cuộc biểu tình nhưng ông cho biết vấn đề biển Đông chắc chắn sẽ được giải quyết tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Lào cùng ngày. Đại sứ quán Trung Quốc từ chối bình luận về cuộc biểu tình.
Trong khi đó, kênh truyền hình TV5 (Philippines) báo cáo số lượng người tham gia cuộc biểu tình lên đến 500.
Những người biểu tình nói rằng việc quân sự hóa ở biển Đông là hành động vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Các sinh viên kêu gọi Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán thay vì bắt nạt các nước láng giềng.
Sau bài diễn văn kêu gọi mọi người tham gia cuộc biểu tình, các sinh viên đã diễu hành và hô to nhằm vào các nhân viên trong Đại sứ quán Trung Quốc: "Trung Quốc hãy rút khỏi (biển Đông), Trung Quốc hãy rút khỏi".
Đoàn người biểu tình diễu hành trong đoạn phố trước toà nhà World Center (trụ sở của Đại sứ quán Trung Quốc), giương cao băng rôn, biểu ngữ với những thông điệp mạnh mẽ bằng tiếng Anh: “Trung Quốc phải dừng hoạt động xây dựng ở biển Đông”, “Trung Quốc phải tôn trọng luật quốc tế”; “Trung Quốc hãy dỡ bỏ radar khỏi đá châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam)”…
Sinh viên Việt Nam và quốc tế tham gia cuộc biểu tình hôm 25-2. (Ảnh: Hội Sinh viên Việt Nam tại Philippines)
Những người trẻ tuổi đồng loạt lên án Trung Quốc
"Là sinh viên và các chuyên gia trẻ, chúng tôi có mặt tại đây ngày hôm nay để chuyển đến họ thông điệp: Chúng tôi – những sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau luôn tôn trọng tình hữu nghị với người dân Trung Quốc nhưng chúng tôi cực lực phản đối hành động hung hăng, các hoạt động bất hợp pháp và hành vi bắt nạt của họ ở biển Đông " - ông Nguyễn Quốc Giang - chủ tịch Hiệp hội sinh viên Việt Nam tại Philippines (AVSP) nói.
Ông Giang nói thêm rằng Trung Quốc đang cố tình quân sự hóa biển Đông, gây leo thang căng thẳng giữa các quốc gia có yêu sách và đe dọa toàn bộ khu vực.
"Cách đây hai tuần, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đến quần đảo Hoàng Sa, máy bay chiến đấu và lắp radar quân sự tại quần đảo Trường Sa trong một nỗ lực nhằm quân sự hóa biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực" – ông Giang nói.
"Rất có khả năng Trung Quốc sẽ ồ ạt triển khai vũ khí trên quần đảo Trường Sa và áp đặt cái gọi là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Hành vi hung hăng của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982, trong đó Trung Quốc là một thành viên" - ông Giang chỉ ra.
Aryo Pramesworo – một sinh viên Indonesia 23 tuổi học ngành quản trị du lịch tại Đại học Nữ Philippines (PWU), nói rằng Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp và trọng tài quốc tế. "Trung Quốc không thể chỉ tuyên bố bất cứ điều gì mà họ muốn. Trung Quốc nên tôn trọng các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines và Malaysia".
Pramesworo nói rằng Trung Quốc nên đàm phán với các nước có tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông vì những gì Bắc Kinh đang làm bây giờ là chống lại luật pháp quốc tế. "Vì vậy, Trung Quốc nên đàm phán, dừng ngay yêu sách, và giải quyết vấn đề này".
Sinh viên 33 tuổi người Sri Lanka - Jeewan Karunaratna, học ngành Khí tượng học tại Đại học Philippines cũng là trong số những người tham gia cuộc biểu tình. "Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp quốc tế và dừng lại hành động quân sự hóa ở biển Đông, đồng thời tôn trọng quyền tự do hàng hải" - Karunaratna nói.
Đại diện MARCHA, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez, cho biết Trung Quốc nên xem trọng tình hữu nghị giữa các quốc gia quanh khu vực biển Đông. Ông Golez nói rằng Trung Quốc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, trước tất cả quốc gia khác trong khu vực, vì thế Trung Quốc phải là quốc gia đầu tiên tôn trọng luật pháp quốc tế.