Cả bộ máy từ trên xuống dưới phải bó tay trước nguồn thực phẩm bẩn ở mức độ độc hại tràn lan từ siêu thị ra tới hè phố. Người ta có thể không chơi nhưng không thể không ăn mà còn phải ăn đủ ngày 2-3 bữa. Cứ đều đặn nạp hóa chất, chất bẩn như vậy vào thì cơ thể nào chịu cho nổi?
Nghĩ mà xem, pháo một năm đốt có vài lần nói dẹp là nín ngay; nón bảo hiểm dù không thống kê đỡ được bao nhiêu tai nạn nhưng toàn dân đều đội rồi. Tôi tin nếu hiểu biết và lo sợ đến mức không thể ngủ yên về cái mình đang nuốt vào bụng mỗi ngày thì các cấp sẽ có cách siết nó văng khỏi bàn ngay lập tức. Chẳng qua bệnh chủ quan quá nặng, thấy bộ kia lỉnh lỉnh mình cũng im im, thấy ban nọ lơ lơ thì mình cũng né né… Tất cả chỉ vì nghĩ “chắc bệnh nó chừa mình ra”.
Quá trình tích tụ, sinh bệnh vì thực phẩm bẩn không phải ngày một ngày hai càng làm cho người ta ỷ y. Tới khi bản thân hoặc người thân bị phán hai chữ ung thư thì lại chạy quanh tìm lối thoát chứ không nhìn vào mâm cơm ngay trước mặt. Ở Việt Nam, số ca mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 năm 2000 lên 126.000 năm 2010, dự kiến vượt qua 190.000 ca vào năm 2020; chưa kể nhiều bệnh chết người, khổ sở khác… Những người chưa bị “trời kêu” liệu có may mắn mãi.
Lần ngược lên một chút, người nuôi trồng, chế biến và bán ra thực phẩm bẩn họ chủ yếu đều thiếu hiểu biết và tham lợi. Nghe loáng thoáng nguy hiểm nhưng giờ chưa sao cả, trong khi mai đóng tiền học cho con rồi, thôi cứ làm. Đừng trông chờ lương tâm, ý thức…, cái đó số ít chứ số nhiều thì vô phương. Cách tốt nhất để họ làm nghề có lương tâm chỉ có siết mạnh, siết thật tình đến bật gốc những nguồn chế biến, bán thực phẩm bẩn đó đi. Cứ thử đi tù, tán gia bại sản một lần vì vi phạm xem, hiệu quả sẽ thấy ngay.
Cái gì có thể bẩn, riêng ăn thì không thể vì “ăn bẩn” dù dưới hình thức nào cũng là mở cửa cho chất độc hại trực tiếp đi vào cơ thể mình, gia đình mình. Xã hội rộng lớn, cửa hàng, quán xá mịt trời tránh sao cho khỏi. Là người giữ van, hy vọng các cơ quan quản lý hãy dùng hết sức mình khóa nó lại chứ đừng than khó nữa!