Sáng nay (23-6), Ban chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm 2022. Tại cuộc họp, vụ việc liên quan đến Chùa nghệ sĩ cũng được đề cập.
Được biết, theo tinh thần cuộc họp do Phòng Nội vụ (UBNV Quận Gò Vấp) chủ trì ngày 13-3-2022 đã xác định nguồn gốc và lịch sử khu đất sử dụng để làm Nghĩa trang và Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự); trong đó Chùa Nghệ sĩ không thuộc Giáo hội Phật giáo quận Gò Vấp.
Vì lý do đó, vào chiều ngày 18-6-2022, ban Quản lý nghĩa trang Nghệ sĩ đã quyết định gắn bảng tên mới "Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh - Nghĩa trang nghệ sĩ” để thay cho bản hiệu trước đó là "Chùa nghệ sĩ" mà không thông qua Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM.
|
|
Chùa nghệ sĩ trước và sau khi bị đổi bảng hiệu vào ngày 18-6. Ảnh: Chùa di đà và Vũ Vũ. |
Ban Chấp hành Hội Sân khấu cho rằng sự việc này đã gây nên làn sóng phản đối của đông đảo công chúng yêu mến và hiểu về ý nghĩa của Chùa nghệ sĩ.
Đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thống nghĩa tình, nhân văn tốt đẹp của “Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế” trước đây và Ban Ái hữu nghệ sĩ ngày nay.
Trước đó, sáng 20-6, Tập thể Thường vụ Hội Sân khấu TP.HCM đã có cuộc họp khẩn cấp và trực tiếp đến khảo sát tại Chùa nghệ sĩ. Sau đó nhanh chóng đưa ra kết luận: Tháo gỡ ngay bảng tên chưa phù hợp nói trên.
|
Lãnh đạo Hội Sân khấu TP. HCM thắp hương tại Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự). Ảnh: Nguyễn Trung. |
Bên cạnh đó, Hội Sân khấu đã đưa ra vấn đề chỉnh trang “Chùa và Nghĩa trang nghệ sĩ” tại cuộc Họp Ban Chấp hành Hội Sân khấu vào sáng nay nhằm thống nhất phục hồi nguyên trạng ban đầu.
Ban Ái hữu nghệ sĩ TP. HCM nhận khuyết điểm do vội vàng với mong muốn chấn chỉnh lại hoạt động của Chùa và Nghĩa trang Nghệ sĩ đã để xảy ra sự việc trên.
Như PLO đã đưa tin trước đó, vào ngày 18-6, Bảng hiệu “Chùa nghệ sĩ” bất ngờ được thay bằng Nghĩa trang nghệ sĩ, kèm theo tên Hội sân khấu TP.HCM.
Vụ việc đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng cũng như nghệ sĩ gạo cội tại TP.HCM cũng như đang sinh sống tại TP.HCM. Ngay sau đó nhiều trang báo cùng nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng phản ánh về thông tin trên.
Đến chiều ngày 20-6, khi phóng viên đến tìm hiểu về vụ việc thì bảng "Nghĩa trang nghệ sĩ" đang được gỡ xuống.
|
Bảng hiệu "Nghĩa trang nghệ sĩ" được gỡ xuống vào chiều ngày 20-6. Ản: VĂN HÀ. |
Nói về sự việc này với phóng viên, quản lý của chùa cho biết quyết định gỡ bảng hiệu xuống là vì áp lực từ dư luận báo chí cũng như nhiều văn nghệ sĩ tại TP. HCM.
Đến ngày 21-6, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP.HCM đã có văn bản do bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó giám đốc Sở VH&TT TP.HCM ký để báo cáo vụ việc lên UBND TP.HCM và đề xuất các hướng giải quyết.
Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự) tọa lạc tại 116/6 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM, do NSND Phùng Há xin tiền cho Hội nghệ sĩ Ái hữu tương tế mua khoảng năm 1958.
Ban đầu đây là nơi yên nghỉ cho các nghệ sĩ cải lương. Sau đó bầu Năm Công xin làm một am tu hành, tiếp đó ông bầu Xuân (con nuôi nghệ sĩ Phùng Há) xây dựng thêm thành chùa nghệ sĩ như hôm nay.
|
|
Ngoài NSND Phùng Há, Chùa nghệ sĩ còn là nơi an nghỉ của đông đảo nghệ sĩ. Ảnh: VĂN HÀ. |
Chùa là địa chỉ quen thuộc với người dân thành phố vì nơi đây có mộ và tro cốt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như soạn giả cải lương Hoa Phượng, Hà Triều, Thu An, NSND Năm Châu, NSND Phùng Há, NSND Ba Vân, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Thanh Nga, NSƯT Hoàng Giang, NSƯT Trường Xuân, Bảy Cao, Đức Lợi, Khánh Linh, Quốc Hòa, Tô Kiều Lan, Thanh Thanh Hoa, Tấn Tài, NSƯT Minh Phụng, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, lớp trẻ thì có diễn viên Lê Công Tuấn Anh…