Báo cáo vụ Chùa Nghệ sĩ bị đổi tên lên UBND TP.HCM

(PLO)- Trước vụ việc Chùa Nghệ sĩ bị đổi tên, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có văn bản báo cáo vụ việc, đề nghị cách giải quyết lên UBND TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày vừa qua, vụ việc Chùa nghệ sĩ tại Gò Vấp, TP.HCM bị đổi bảng hiệu thành Nghĩa trang nghệ sĩ đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Sự việc đã nhanh chóng vấp phải nhiều chỉ trích. Ngay chiều 20-6, ban Ái hữu đã cho người đến gỡ bảng hiệu và Chùa Nghệ sĩ đã chính thức được trả về nguyên trạng .

Bảng hiệu "Hội Sân khấu thành phố-Nghĩa trang nghệ sĩ" chính thức được gỡ xuống và Chùa nghệ sĩ được trả về nguyên trạng vào chiều 20-6. Ảnh: VĂN HÀ

Bảng hiệu "Hội Sân khấu thành phố-Nghĩa trang nghệ sĩ" chính thức được gỡ xuống và Chùa nghệ sĩ được trả về nguyên trạng vào chiều 20-6. Ảnh: VĂN HÀ

Trước những phản ánh từ báo chí, ngày 21-6, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP.HCM đã có văn bản báo cáo vụ việc lên UBND TP.HCM và đề xuất các hướng giải quyết.

Văn bản do bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, ký cho biết chùa Nghệ sĩ ban đầu là một khu đất do Hội Ái hữu tương tế nghệ sĩ mua từ năm 1958 làm nơi chôn cất các nghệ sĩ cải lương và công nhân sân khấu. Sau đó bên trong nghĩa trang xây dựng thêm một am thờ các nghệ sĩ quá cố và dần tự nâng cấp thành Chùa Nghệ sĩ (Nhựt Quang tự).

Sau năm 1975, nghĩa trang và Chùa Nghệ sĩ do Hội Sân khấu TP.HCM tiếp nhận, việc quản lý trực tiếp được Hội giao cho Ban Ái hữu nghệ sĩ. Trong quá trình hoạt động, bộ phận quản lý chùa đã cho phép các nhà sư đang học tại các học viện Phật giáo được ở trọ tại đây.

Cổng Chùa Nghệ sĩ trước khi bị đổi tên.
Cổng Chùa Nghệ sĩ trước khi bị đổi tên.

Ngày 23-1-2022, Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM thống nhất phối hợp với chính quyền địa phương không cho các sư thầy tiếp tục cư trú tại đây với lý do "Hội Sân khấu không có chức năng tổ chức hoạt động tôn giáo".

Ngày 18-6, Ban Ái hữu nghệ sĩ đã tự ý cử người đến treo tấm bảng hiệu có dòng chữ “Hội Sân khấu thành phố - Nghĩa trang Nghệ sĩ”.

Tấm bảng này che lấp dòng chữ “Chùa Nghệ sĩ - Nhựt Quang tự” bằng xi măng trước cổng vốn có từ trước đến nay. Chiều 20-6, Ban Ái hữu nghệ sĩ lại cho người đến tháo gỡ tấm bảng mang đi.

Sở VH&TT TP.HCM đánh giá Chùa Nghệ sĩ là địa chỉ tôn kính không chỉ đối với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ mà còn của người dân thành phố trong hơn 60 năm qua.

Cổng nghĩa trang nghệ sĩ bên trong Chùa nghệ sĩ. Ảnh: VĂN HÀ

Cổng nghĩa trang nghệ sĩ bên trong Chùa nghệ sĩ. Ảnh: VĂN HÀ

Đây là nơi an nghỉ của hơn 500 nghệ sĩ nổi tiếng trong giới cải lương như Phùng Há, Năm Đồ, Năm Châu, Thành Tôn, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Xuân Trường, Hoàng Giang, Trường Xuân… cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong lĩnh vực nghệ thuật khác. Người dân thường đến đây để thăm viếng, bày tỏ lòng thương nhớ các nghệ sĩ.

Phần mộ của NSND Phùng Há tại Chùa nghệ sĩ. Ảnh: VĂN HÀ

Phần mộ của NSND Phùng Há tại Chùa nghệ sĩ. Ảnh: VĂN HÀ

Với những giá trị đầy ý nghĩa trên, Sở VH&TT kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu về pháp lý nhà đất, phương hướng hoạt động thời gian tới của Chùa Nghệ sĩ. Sở cũng kiến nghị chính quyền thành phố quan tâm đến công tác trùng tu, cải tạo “Nghĩa trang Nghệ sĩ và chùa Nghệ sĩ” nhằm đảm bảo mỹ quan để thể hiện sự trân trọng đối với công lao của các nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp.

Sở VH&TT TP.HCM cũng đề xuất UBND TP.HCM giao cho UBND quận Gò Vấp cùng Hội Sân khấu TP.HCM làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để được hướng dẫn hoạt động thờ cúng nghệ sĩ tại đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm