Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Dự cuộc họp có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên.
Góp ý về dự án Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng quyền định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, do vậy, vai trò của Viện Kiểm sát trong tố tụng dân sự cần xác định theo hướng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động tố tụng đã và đang được thực hiện nếu phát hiện thấy Tòa án có vi phạm pháp luật tố tụng.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng tán thành với quan điểm đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự theo hướng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Việc tranh tụng cần được quy định rõ nội hàm, phạm vi và phương thức thực hiện theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.
Đối với Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), các ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất tiếp tục mở rộng thẩm quyền giải quyết khiếu kiện về hành chính cho Tòa án nhằm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, đảm bảo tất cả các hành vi hành chính, quyết định hành chính do cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước ban hành, thực hiện hay không thực hiện, nếu bị khiếu kiện thì đều bị xem xét trước Tòa án. Quy định như vậy sẽ góp phần giải quyết triệt để các vụ khiếu kiện, nhất là những vụ vượt cấp, kéo dài như trong thời gian qua.
Về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo quy định đầy đủ trong dự thảo về quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự cho người bị oan sai trong tạm giữ, tạm giam; việc nghiêm cấm người có thẩm quyền trong quản lý giam, giữ có hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Bên cạnh đó, cần giao cho Viện Kiểm sát thẩm quyền giải quyết khiếu nại của người bị tạm giữ, tạm giam.
Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, các ý kiến tại buổi làm việc bày tỏ quan điểm khác nhau trước đề xuất bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu. Các ý kiến ủng hộ quan điểm này cho rằng đây là đề xuất hợp lý bởi những lĩnh vực này thuộc diện chuyên ngành hẹp, cơ quan điều tra vẫn thường xuyên phải nhờ xin tư vấn, giám định trong giải quyết các vụ án liên quan.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại đề xuất này cho phù hợp với Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp tinh gọn đầu mối từng cơ quan và trên thực tế có rất nhiều những ngành, lĩnh vực khác thuộc diện chuyên ngành cũng có nhu cầu cấp thiết về trao quyền điều tra ban đầu.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật phải nhằm mục tiêu cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là bảo đảm phù hợp các Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và tinh thần của Hiến pháp 2013.
Trao đổi về những vấn đề còn khác nhau trong các đề án, Chủ tịch nước cho rằng các thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan được giao chủ trì đề án cần chủ động, thảo luận kỹ trên tinh thần quán triệt tư tưởng của Đảng, căn cứ cơ sở lý luận và thực tiễn để các dự án luật được xây dựng, sửa đổi lần này phải nhằm giải quyết cho được những bất cập, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật và hoạt động tố tụng, thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế, và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang đàm phán. Quá trình soạn thảo, xây dựng các dự án luật này cũng phải đảm bảo bảo vệ quyền con người, quyền công dân và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.