Ban chỉ đạo trung ương sẽ phòng chống tham nhũng lẫn tiêu cực

Ngày 6-7, Ban Nội chính trung ương, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), phối hợp với hội đồng khoa học các cơ quan đảng trung ương tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Từ ý kiến của Tổng bí thư

Vấn đề phòng chống tiêu cực, mặc dù Đảng nhiều nỗ lực nhưng đã chuyển biến đủ để yên tâm? Hay đã đến lúc cần có một cơ cấu, tổ chức để chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn, để cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực đồng bộ, nhịp nhàng hơn với PCTN?

Vấn đề này được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, đặt ra tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo hồi tháng 3 năm nay và Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất cần nghiên cứu để bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo.

TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp Chí Cộng Sản, đồng tình với việc bổ sung nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho Ban chỉ đạo trung ương về PCTN. “Ngần đấy năm công tác, tôi quan sát thấy không vụ việc, vụ án tham nhũng nào mà không có vấn đề chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Các bản án mà tòa tuyên chưa đụng đến chiều sâu đạo đức, đạo lý của can phạm” - ông phát biểu.

Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức hội thảo “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Ảnh: N.NHÂN

Tiêu cực là gốc của tham nhũng

TS Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó ban Nội chính Trung ương, thì lưu ý Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã mô tả được 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chia nhỏ ra thì điểm mặt được 75 hành vi, mà suy cho cùng ở mức độ thấp là tiêu cực, vi phạm mức độ cao thì là tham nhũng.

“Tiêu cực là gốc của tham nhũng, tham nhũng là biểu hiện nghiêm trọng của tiêu cực. Phòng chống tiêu cực thì cơ quan, tổ chức nào cũng phải tham gia. Vậy nhưng chưa có một thiết chế đầu não nào để chỉ đạo, điều hòa, phối hợp. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho công tác PCTN của Đảng ta, dù cố gắng, nỗ lực rất nhiều, kết quả rất tích cực nhưng phải thẳng thắn là vẫn còn nhiều hạn chế” - ông Tuấn nói.

Từ đó, ông Tuấn cho rằng nên giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác phòng chống tiêu cực cho thiết chế có sẵn là Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, chỉ cần sửa đổi, bổ sung một chút Quy định 211 của Bộ Chính trị ban hành năm 2019 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo là được.

Cần tuân thủ nguyên lý cơ bản của pháp quyền

Tham dự hội thảo với tư cách chuyên gia độc lập, PGS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao - Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, nói: “Không thể phủ nhận là công tác PCTN nhiệm kỳ vừa qua là rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế là rất ít tội phạm tham nhũng được phát hiện. Chủ yếu các quan chức bị đưa ra xét xử là về tội phạm kinh tế, quản lý. Chống tham nhũng khó như thế, giờ thêm chống tiêu cực thì làm thế nào để hiệu quả? Chứ thêm chức năng, thêm thẩm quyền mà không làm được sẽ rất mất uy tín” - ông Độ nói.

Vị chuyên gia từng tham gia chấp bút Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp 15 năm trước cho rằng cần nắm vững những nguyên tắc lý luận cơ bản của pháp quyền để đánh giá, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo trung ương về PCTN.

“Thứ nhất, tiêu cực cần xử lý là hành vi chứ không phải là tư tưởng, suy nghĩ trong mỗi con người. Thứ hai, phải giới hạn, khoanh vùng những hành vi tiêu cực nào cần phải có chỉ đạo, đôn đốc xử lý, khắc phục. Mỗi người chúng ta không phải là thánh. Ai cũng có lúc này, lúc khác, có hành vi tiêu cực và luôn hướng thiện, tự khắc phục. Cho nên ở cấp độ Ban chỉ đạo trung ương cần nhận diện những hành vi tiêu cực phổ biến nhất, nguy hiểm nhất, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhận diện rõ thì mới chỉ đạo trúng, xử lý mới đạt” - ông Độ góp ý.

Sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho hay các góp ý, tham luận của các chuyên gia trong hội thảo này sẽ được tổng hợp, tiếp thu phục vụ cho việc nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN.

Quá trình nghiên cứu, Ban Nội chính Trung ương chia sẻ với ý kiến của nhiều chuyên gia là hành vi tiêu cực trong đời sống, xã hội cũng như với chính đội ngũ cán bộ, đảng viên rất đa dạng. Vậy nên cần xác định, nhận diện những biểu hiện tiêu cực phổ biến, nghiêm trọng, phức tạp đến mức cần sự tham gia của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN.

Dự kiến, kết quả nghiên cứu, sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trung ương về PCTN sẽ được Ban Nội chính trung ương báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo cuối tháng 7 này. Sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành.

Chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ xuyên suốt

Phòng chống tham nhũng (PCTN) gắn với phòng chống tiêu cực là cặp đôi nhiệm vụ, yêu cầu mà Đảng luôn đặt ra.

Điểm lại các nghị quyết của Đảng thì Đại hội VI - mở đầu công cuộc đổi mới (1986), nghị quyết dành riêng một mục với tiêu đề “nâng cao chất lượng đảng viên, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực”. Trong đó Đảng xác định: “Trong tư tưởng cũng như trong hành động phải tuyệt đối chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Sau Đại hội Đảng, cần có kế hoạch tiến hành cuộc vận động làm trong sạch Đảng, khắc phục những hiện tượng hư hỏng trong bộ máy nhà nước, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Nghị quyết Đại hội VII (1991), Đảng xác định tiếp tục tiến hành kiên quyết và thường xuyên cuộc đấu tranh chống tệ tham nhũng, đồng thời lưu ý “khắc phục có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực và các mặt yếu kém, khôi phục và nâng cao uy tín của Đảng trong nhân dân”.

Các Đại hội VIII (1996), Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011), Đại hội XII (2016) và mới đây nhất, Đại hội XIII (2021) đều gắn nhiệm vụ PCTN với làm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó chỉ ra các hiện tượng, biểu hiện tiêu cực như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, quan liêu, bè phái...

Đáng chú ý, bắt đầu từ khóa X, trung ương Đảng đã liên tục dành Hội nghị Trung ương 4 để bàn và ban hành các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luôn gắn nhiệm vụ PCTN với phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức vụ, quyền hạn.

Khóa X, Đảng đã đi đến quyết định lập Ban chỉ đạo trung ương, tập trung cho nhiệm vụ PCTN. Đến hết khóa XII, công tác PCTN đã đạt được những kết quả tích cực, được nhân dân ghi nhận, góp phần phục hồi niềm tin của nhân dân với Đảng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm