Bàn chuyện quản giá sữa: Trớt hướt

Năm nào các hãng sữa cũng tăng giá ít nhất một lần chính thức và nhiều lần điều chỉnh tăng bằng các hình thức “ẩn”. Việc tăng giá thực chất là thực hiện kế hoạch tăng lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). Vẫn biết đây là điều bình thường trong hoạt động kinh doanh nhưng việc tăng quá nhiều như hiện nay lại là vấn đề đáng lo ngại.

Cả năm giữ giá nên phải tăng?

Mới đây, khi Bộ Tài chính thông báo có năm hãng sữa đăng ký tăng giá, thế nhưng trong đó có Nestlé và Abbott đang phải giải trình thêm vì lý do tăng giá chưa hợp lý. Trước đó, một số sản phẩm của công ty sữa Abbott đã tăng tương đương khoảng 5% khi công ty này cắt giảm chương trình chiết khấu đặc biệt dành cho các nhà phân phối, đại lý. Các sản phẩm còn lại vào ngày 15-3 sẽ tăng giá nhưng chưa được chấp nhận.

Nguyên nhân các hãng sữa đưa ra là do chi phí đầu vào tăng, tuy nhiên ngay cả như sữa nước TH True Milk, dù không bị ảnh hưởng bởi giá sữa nguyên liệu cũng phải tăng theo. DN này cho rằng hai năm nay không tăng giá, trong khi tình hình lạm phát cao, chi phí đầu vào tăng buộc DN không thể cầm cự thêm.

Một chuyên gia trong ngành tài chính cho biết dựa trên báo cáo tài chính được công bố của một DN sữa trong nước. Với tổng doanh thu năm 2013 là 31.000 tỉ đồng, giá vốn hàng bán chỉ có hơn 19.765 tỉ đồng, chiếm 64% doanh thu. Qua phân tích, DN này tăng giá 7%-10% (tùy sản phẩm) từ tháng 2-2014, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi đó tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của DN đều tăng 20%-25% (năm 2010 là 16.000 tỉ đồng, năm 2011 là 22.000 tỉ đồng, năm 2012 là 27.000 tỉ đồng, năm 2013 là 31.000 tỉ đồng). Như vậy, cùng với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm cộng với yếu tố tăng giá, dự kiến doanh thu năm 2014 khoảng 37.000 tỉ đồng và lợi nhuận gộp là 13.000 tỉ đồng và ước lợi nhuận trước thuế khoảng 9.000 tỉ đồng. Do đó việc tăng giá tác động trực tiếp lên tổng doanh thu chứ không ảnh hưởng lớn đến giá vốn, tăng giá bán nên biên độ lợi nhuận gộp sẽ tăng. Như vậy tăng giá bán 7%-10% nghĩa là doanh số sẽ tăng và biên độ lãi gộp tăng tương ứng.

 
Người tiêu dùng luôn mong giá sữa bình ổn. Ảnh: HTD

Cần thay đổi cơ chế quản lý giá

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho biết bản chất của kinh doanh là phải đạt được lợi nhuận, trách nhiệm xã hội đối với DN vượt cao hơn cả các quy định của luật. Nếu chỉ biết tận dụng vào sự ưu ái và tin tưởng của người tiêu dùng (NTD) để kiếm lợi nhuận nhanh và nhiều thì sẽ rơi vào thiên hướng cạnh tranh hay hợp tranh để khai thác tối đa nỗi khổ của NTD.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong có nhận định có DN sữa là DN nhà nước được nhiều ưu đãi thế nên DN đó cũng cần thể hiện trách nhiệm cao hơn. Cần cạnh tranh mang tính đối trọng với các DN nước ngoài để kéo giá xuống, thậm chí bán giá thấp hơn, từ đó chi phối thị trường chứ không phải cạnh tranh cùng đẩy giá lên.

Không cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc DN tối đa hóa lợi nhuận là điều bình thường, phù hợp với kinh tế thị trường. Nhiệm vụ của Nhà nước là đưa ra các chế tài nhằm cân bằng lợi ích cho nhà sản xuất, NTD… DN không có nghĩa vụ phải bán giá rẻ cho NTD. Điều quan trọng hiện nay là chờ kết quả thanh tra của Nhà nước trong việc liệu DN có bắt tay tăng giá không khi một loạt các hãng đều tăng. Nguyên nhân tăng là do giá nguyên liệu thế giới tăng nên DN điều chỉnh tăng tương ứng để duy trì lợi nhuận, hay việc tăng đó chỉ là “mượn gió bẻ măng”.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho hay hiện nay việc quản lý giá chỉ có hình thức kiểm soát là đăng ký giá, khi DN đăng ký, cơ quan chức năng nghe giải thích có lý thì đồng ý cho tăng. Do đó việc kiểm soát hiện chỉ đóng vai trò công cụ hợp thức hóa cho việc tăng giá của DN. Ngoài ra, thị trường còn chưa có sự cạnh tranh khi ba năm mà các DN tăng giá đến 30 lần, trong khi giá thế giới có tăng, có giảm. Năng lực, cơ chế quản lý chưa hiệu quả thì cần phải điều chỉnh lại để làm sao NTD không phải chịu mua giá quá cao so với giá trị của nó.

TÚ UYÊN

 

Đấu thầu chọn ra DN cung cấp sữa

Hiện nay có thể giao cho một bộ nào đó đứng ra tổ chức đấu thầu chọn ra một số nhà sản xuất cung cấp giá phải chăng và chất lượng đạt yêu cầu theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước. Trong hội đồng đấu thầu cần có mặt của đại diện Bộ Công an, Hiệp hội NTD. Như vậy sẽ kiểm soát được mức giá phải chăng, có lợi nhiều cho NTD và các nơi chịu trách nhiệm trước người dân được xác định rõ. Sữa trúng thầu sẽ được phân phối theo mạng lưới của Bộ Y tế hay Bộ Công Thương với mức hoa hồng không quá 20%. Các loại không trúng thầu cũng sẽ phải tham chiếu theo giá các sản phẩm trúng thầu. Điều này chắc chắn sẽ loại được hiện tượng chuyển giá nên sẽ rất hợp lý khi so sánh với giá tại nơi nước sản xuất nước ngoài.

Ông TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm