Trước tình hình ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng cao, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc lựa chọn cũng như sơ chế thực phẩm trước khi chế biến. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu không rửa rau, củ, quả đúng cách, thì thực phẩm vẫn chứa nhiều vi khuẩn gây hại. Bạn đừng nghĩ sản phẩm tươi là an toàn, không chứa các mầm bệnh. Sự thực thì ngược lại, các sản phẩm rau củ quả dù tươi đến đâu cũng vẫn có thể mang mầm bệnh.
Nên rửa rau và quả như thế nào?
Rửa thực phẩm sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, bao gồm cả E.coli, khỏi bề mặt của hoa quả và rau xanh. Hầu hết các loại vi khuẩn đều ở trong đất cát bám vào rau quả. Nhiều người cho rằng, rau chỉ cần rửa 2-3 nước là sạch, khi nấu lên các vi khuẩn và ký sinh trùng sẽ chết hết. Tuy nhiên, thực tế để rau thực sự sạch thì cách rửa phải cầu kỳ hơn thế rất nhiều.
Theo Ts. Phan Thanh Tâm, bộ môn Công nghệ thực phẩm- Sau thu hoạch, Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội trả lời trên báo chí rằng, nếu chỉ rửa 2-3 nước khó có thể loại bỏ được tối đa tạp chất bẩn như đất, rác, ký sinh trùng hay vi sinh vật và các hợp chất hoá học như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... mà mắt thường không nhìn thấy.
Trang NHS Choice đã đưa ra khuyến nghị với rau xanh, người tiêu dùng nên rửa trực tiếp dưới vòi nước chảy hoặc cọ rửa chúng trong nước (đối với rau ăn củ). Tuy nhiên với rau ăn củ như cà rốt, khoai tây... tránh mạnh tay kẻo rau củ bị nát. Những sản phẩm khó cọ thì dùng các loại bàn chải phù hợp để cọ.
Ngoài ra nên rửa trước những loại rau ít dính đất hoặc bùn nhất rồi rửa rau củ chứa nhiều bùn đất sau và giữ nhẹ chúng ở lần rửa cuối cùng. Cách tốt nhất hiện nay để loại bỏ các khuẩn tả là ngâm qua nước. Một chậu nước khoảng 10 lít chỉ cho lưng thìa cà phê (một thìa nhỏ) muối ngâm trong vòng 5 phút.
Rửa rau củ sai cách không loại bỏ được vi khuẩn gây hại. Ảnh: Internet
Việc rửa tất cả rau và quả trước khi ăn để đảm bảo chúng đã sạch và an toàn cũng như giúp loại bỏ vi khuẩn từ bên ngoài là luôn được khuyến nghị. Bóc vỏ hoặc nấu chín hoa quả và rau xanh cũng có thể loại bỏ vi khuẩn.
Người tiêu dùng cũng không nên dùng xà phòng, chất tẩy rửa, chất tẩy trắng để làm sạch thực phẩm của mình. Vì các chất này có thể xâm nhập vào sản phẩm. Không có gì có thể đảm bảo các chất này giúp làm cho trái cây và các loại rau sạch hơn cách thức rửa khác. Hãy chắc chắn rằng sau khi rửa thì rau củ quả sạch sẽ, không còn nếp nhăn và các đường nứt còn sót lại bên ngoài, loại bỏ các phần bị hư hỏng, và lá bên ngoài…
Ngoài ra, để làm giảm hàm lượng thuốc trừ sâu trong rau quả, người tiêu dùng cũng cần ngâm thực phẩm trong nước sạch khoảng 5-10 phút mới rửa hoặc dùng nước vo gạo để ngâm, mục đích để trung hòa tính độc tố ở thuốc trừ sâu. Hoặc sạch rồi dùng nước muối 5% rửa rau.
Đối với các loại rau củ như dưa chuột, cà tím, khoai lang hoặc những loại củ quả có lượng thuốc trừ sâu đậm đặc tốt nhất là rửa sạch, gọt vỏ ngoài mới ăn. Theo một số chuyên gia y tế, làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải. Một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần… sau khi rửa sạch, chần qua bằng nước nóng hai phút có thể làm cho lượng thuốc trừ sâu suy giảm 30%, sau đó nấu ở nhiệt độ cao, như vậy sẽ tẩy trừ được 90% lượng thuốc trừ sâu.
Lời khuyên mấu chốt trong an toàn khi bảo quản, cầm và chế biến rau sống là gì?
- Luôn luôn rửa tay trong suốt quá trình trước và sau khi bạn cầm, nắm thực phẩm sống, bao gồm cả rau xanh.
- Giữ thực phẩm sống, bao gồm cả rau xanh, tách biệt khỏi những thực phẩm đã chế biến sẵn sàng để ăn.
- Sử dụng dao, thớt, dụng cụ riêng cho đồ sống và đồ chín, hoặc rửa sạch các dụng cụ đó trong quá trình sử dụng giữa đồ sống và chín.
- Kiểm tra nhãn mác, bạn phải rửa, bóc vỏ hoặc chế biến rau quả trước khi ăn.
Làm thế nào để tránh nhiễm bẩn chéo?
Để chống nhiễm bẩn chéo, cần:
- Luôn luôn rửa tay trước khi cầm thực phẩm sống.
Cần tách biệt thực phẩm sống và thực phẩm chín để tránh lây nhiễm chéo. Ảnh: Internet
- Bảo quản thực phẩm sống và chín tách biệt.
- Bảo quản thịt sống trong các hộp kín ở tầng dưới cùng của tủ lạnh để chúng không chảy nước vào các thực phẩm khác.
- Sử dụng thớt riêng dành do thực phẩm sống và chín, hoặc rửa sạch chúng mỗi lần chuyển sang sơ chế một loại thực phẩm khác.
- Làm sạch dao và các dụng cụ khác sau khi sử dụng chúng với thực phẩm sống.