Bạn đọc lấy tên là Tập thể giáo viên cả nước ý kiến: “Chúng tôi gửi cơ quan báo chí để truyền đạt ý kiến của chúng tôi đến đại biểu Quốc hội, để chuyển lời khẩn cầu đến Bộ Chính trị, Chính phủ, đồng thời Quốc hội xem xét đừng có tăng tuổi nghỉ hưu trước năm 2025”.
“Giáo viên 55 tuổi mắt đã mờ”
Chúng tôi cho rằng sau năm 2025 hãy đưa vấn đề này ra bàn. Đừng bắt hàng chục triệu người lao động trực tiếp như chúng tôi phải gánh chịu. Chúng tôi là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Chúng tôi không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Hãy để tuổi nghỉ hưu như hiện nay là hợp lý rồi.
Dự thảo luật cho người lao động trong lĩnh vực nặng nhọc được nghỉ hưu trước năm tuổi.
Với giáo viên, tuổi nghỉ hưu 55 đối với nữ và 60 đối với nam như hiện hành mắt đã mờ, chân chậm chạp, còn nhìn thấy dòng ô ly nữa đâu; đã bị bệnh teo não rồi thì làm sao có thế hệ học sinh giỏi được.
Với lại theo luật BHXH năm 2014, cả nam và nữ đều tăng năm năm đóng BHXH vì vậy càng ngày càng ít người về hưu được hưởng tối đa 75% lương hưu. Hơn nữa, cán bộ công chức viên chức tham gia đóng BHXH từ 1-1-2025 khi về hưu sẽ tính bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH. Vì vậy những cán bộ công chức, viên chức tham gia BHXH sau năm 2024 về hưu lương càng thấp. Vì vậy không có chuyện vỡ quỹ BHXH.
Còn về tuổi thọ các ban ngành đã thống kê chưa? Nếu tính tỷ lệ người bị tai nạn giao thông, bệnh hiểm nghèo, tai nạn nghề nghiệp… thì tuổi thọ trung bình có tăng không hay còn thấp hơn so với 20 năm về trước. Nếu muốn tăng thì mở rộng thêm đối tượng ở Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động 2012. Trừ giáo viên và nhiều đối tượng lao động nặng nhọc ra. Hãy cho thế hệ trẻ có cơ hội, họ năng động và giỏi hơn rất nhiều...
Còn bạn đọc Xi Muoi cho rằng giáo viên mầm non 50 tuổi đã ít phụ huynh muốn gửi con rồi. Đến tuổi "mắt mờ, chân chậm" sẽ không thể chăm sóc các bé được. Tuổi 60 thì chắc chắn không ai gửi nữa rồi.
Có cùng lo lắng, bạn đọc tên Trần Thanh Phong, khẳng định không nên tăng tuổi nghỉ hưu, vì người lớn tuổi "già" làm việc không có năng suất cao. “Tôi đã từng hỏi rất nhiều người trên 50 tuổi, tất cả đều có bệnh và luôn uống thuốc hằng ngày. Bên cạnh đó, tuyển lớp trẻ vào làm việc, tuổi trẻ sức khỏe, năng động, trí tuệ hơn. Đội ngũ trẻ có sáng tạo mới dân giàu nước mạnh được. Còn người lớn tuổi thì lười nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, làm việc rèn rèn thôi. Vì vậy nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay…” bạn đọc này ý kiến.
Không nên tăng tuổi hưu đối với lao động trực tiếp
Liên quan đến vấn đề trên, trước đó trả lời PLO, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng các cơ quan chức năng cần tính toán để trình ra Quốc hội lộ trình, đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu: “Không thể tăng tất cả đối tượng, chỉ tăng đối với một số nhóm người trong cơ quan nhà nước, nhà khoa học, chuyên gia… những người lao động trực tiếp ở khu vực độc hại thì nhất quyết không tăng…”, ông Huân nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết thống kê của BHXH Việt Nam, tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 53,4 tuổi trong đó nam giới là 55,2 tuổi, nữ giới là 51,7 tuổi, những ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 tuổi (công nhân cạo mủ caosu, làm đường, dệt may, da giày…). Như vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu không thể áp dụng với đối tượng này.
“Vì vậy, cần có cơ chế giải quyết cho các lao động trực tiếp. Cụ thể, như cho người lao động được lựa chọn hưởng sớm các chính sách BHXH. Còn nâng tuổi 4 tháng cho nữ, 3 tháng cho nam hay 6 tháng cho nữ, 4 tháng cho nam cần phải tính toán kỹ hơn”, ông Quảng nói.
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến đến 28-6. Theo lộ trình, dự luật sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.
Người lao động khu vực nặng nhọc được nghỉ hưu trước năm năm Theo quy định dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt. Hai phương án tăng tuổi hưu Phương án 1: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. |