Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong đó có nhiều nội dung được điều chỉnh.
Điểm đáng chú ý nhất là việc Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu:
Việc tăng tuổi nghỉ hưu chậm ít tác động đến thị trường lao động. Ảnh: L.VIẾT
Phương án 1, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Như vậy, có thể hiểu dự thảo luật sẽ tăng tuổi nghỉ hưu cho nam lên 62 tuổi (quy định hiện hành là 60 tuổi) và nữ 60 tuổi (quy định hiện hành là 55 tuổi) được thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, hai phương án đều đưa ra lộ trình tăng khác nhau. Phương án 1 tăng chậm hơn (3-4 tháng), phương án 2 tăng nhanh hơn (4-6 tháng).
Việc ấn định tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ theo Bộ LĐ-TB&XH có nguyên nhân của già hóa dân số, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động. Cụ thể, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 76,6 tuổi, trong đó nam là 72,1 tuổi, nữ là 81,3 tuổi.
Ngoài ra, số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm chỉ tăng thêm có 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400 nghìn lao động. Lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.
“Vì thế điều quan trọng là hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trước khi Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số”, Bộ LĐ-TB&XH lý giải.
Nhưng để tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng lựa chọn phương án điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn đến số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, gây ra những vấn đề xã hội bức xúc. Nâng tuổi nghỉ hưu nhanh cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng đối với một bộ phận lớn người lao động nhất là trong các doanh nghiệp…
Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đa số ý kiến đề xuất chọn phương án một. “Vì phương án này có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế…”, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.
Bổ sung quy định về tổ chức đại diện của người lao động Bộ LĐ-TB&XH, cho biết dự thảo bổ sung ba điều quy định về ba nội dung lớn đó là quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập tổ chức đại diện. Điều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức. Tôn chỉ, mục đích và điều lệ của tổ chức… |