Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM), tại khoản 2 Điều 65 Luật TNBTCNN quy định mức hoàn trả trong trường hợp có một người thi hành công vụ gây thiệt hại. Theo đó, người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả là 30-50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên tại buổi tập huấn. Ảnh: NGÂN NGA
Tuy nhiên, bà Liên lưu ý lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc theo quy định của pháp luật tại thời điểm có quyết định hoàn trả. Trường hợp tại thời điểm có quyết định hoàn trả, người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc tại cơ quan nhà nước thì việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc (khoản 1 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP).
Nếu người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ việc thì chia làm hai trường hợp. Thứ nhất, nếu người thi hành công vụ gây thiệt hại có hưởng lương hưu thì cơ quan bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 70 Luật TNBTCNN). Thứ hai, người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm đó có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 70 Luật TNBTCNN).