Bạn đọc hiến kế cứu tàu kẹt dưới gầm cầu sông Cà Ty

Sáng nay (23-6), một chiếc tàu biển loại lớn mang số hiệu Bth 97559 khi đang neo đậu ở một điểm sửa chữa tàu thuyền thì bị nước sông Cà Ty chảy siết làm đứt neo, cuốn trôi và bị dính chặt vào  cầu Lê Hồng Phong (Phan Thiết).

Rất nhiều phương án đã được đưa ra để nhanh chóng cứu tàu và cầu như phương án cưa cabin tàu cho thấp xuống và đục lỗ làm chìm tàu. Tuy nhiên, các phương án đều không khả thi.

Đội cứu hộ đã cưa cắt nóc cabin tàu, nhưng do nước mưa từ thượng nguồn về dâng cao nhanh nên tàu vẫn không thoát ra được.

Chiếc tàu vẫn mắc kẹt sau khi cưa nóc cabin do thủy triều lên nhanh

Chiếc tàu vẫn mắc kẹt sau khi cưa nóc cabin do thủy triều lên nhanh.

Phương án làm chìm tàu cũng được tính đến, tuy nhiên do con tàu trên vừa đóng mới với giá 8 tỉ đồng nhưng lại chưa mua bảo hiểm nên nếu đánh chìm tàu thì thiệt hại cho chủ tàu là rất lớn.

Sau khi kêu gọi sự giúp đỡ từ bạn đọc, rất nhiều ý kiến đã được tới tấp gửi về PLO:

Bạn đọc Manh Duc hiến kế: "Có thể điều xe xúc công trình (xe hay dùng xúc, cào của công trình ấy), dùng lực của máy xúc này đè thuyền xuống và đồng thời đẩy ra từ từ khỏi gầm cầu".

Bạn Võ Lưu viết: "Khẩn trương hạ lực nâng của con tàu bằng cách tăng tải trọng tàu, để con tàu dìm xuống, đồng thời cưa cabin để cát chiều cao con tàu. Mặt khác, be trên đỉnh thành của be tàu thêm để tăng chiều cao thành be (nếu có thể) nhằm tăng tải trọng cho con tàu để tàu dìm xuống chống được nước tràn vào tàu".

Bạn Quy Ngoc: "Dùng khung thép có bánh xe gắn cố định hai bên thành tàu, bánh xe hướng lên phía trên. Hai thanh trượt gắn lên gầm cầu, sau đó cắt ngọn phần cabin, dùng tàu lớn kéo tàu bị mắc kẹt ra. Khung thép phải đảm bảo chịu lực. Nhiều bánh xe để không bị trượt khỏi rãnh của thanh trượt".

Bạn đọc Phạm Thế Huynh: "Dùng kích và con lăn là đc mà!"

Bạn Giáp Linh: "Dùng xà lan tải trọng lớn có cáp tời buộc vào đầu tàu vừa kéo dìm tàu xuống, vừa lôi ra là được vì đuôi tàu không bị vướng vào thành cầu".

Bạn Lại Thanh Tùng cho rằng: "Dùng dây cáp neo cố định tàu lại không cho tàu dịch chuyển làm hỏng cầu. Đợi đến khi nước rút thì cho tàu di dời. Nếu nước tiếp tục không dâng quá cáo thì phương án này hiệu quả".

"Chỉ mỗi con tàu trọng tải 80 tấn bị mắc kẹt dưới gầm cầu mà đủ cơ quan, ban ngành vẫn không sao lôi ra được. Không việc gì mà phải vội suy nghĩ cho mệt não. Cứ để nước thượng nguồn đổ xuống cộng với thủy triều dâng lên con tàu ắt phải chìm thôi. Khi đó tự nó sẽ trôi ra khỏi gầm cầu. nhà nước chẳng tốn một xu" - đây là ý kiến của bạn Trần Quang Vinh.

Ý kiến của bạn Trần Anh Tuấn: "Theo tôi chấp nhận khoan hai bên thành tàu với đường kính mũi khoan khoảng 5 cm cho nước ngập vào tàu, để tàu chìm từ từ sau đó dùng tàu kéo tàu chìm khoảng 30 cm so với dầm cầu sau đó hút nước ra".

Bạn Phong thì gợi ý: "Chắc chắn là phải làm chìm tàu xuống thôi, các phương tiện chuyên trở hàng tải trọng cực lớn trên biển đều làm theo cách này mà. Các tàu này có một khoang rỗng để bơm nước vào làm tàu chìm, và bơm nước ra khi muốn tàu nổi. Do đó nếu muốn làm con tàu này chìm xuống một khoảng cách so với mặt nước mà không phải chìm hẳn thì phải có một khoang rỗng để bơm nước vào và ra gắn dưới đáy tàu. Cái này không có sẵn nên trong trường hợp cấp bách này cũng chưa khả thi lắm".

Bạn Bình khẳng định: "Tôi cho phương án đang xử lý là tối ưu. Cắt cabin, nếu nước đang lên nhanh thì cắt hết cả cabin luôn, cùng với đó cho tàu trọng tải lớn hơn kéo, cabin chỉ cần ko vững sẽ rời ra vì lực kéo thôi, nhanh ko lại hỏng thêm cái cầu nữa".

Theo thông tin mới nhất thì đội cứu hộ đã thực hiện phương án cưa nóc cabin tàu để hạ thấp độ cao. Tuy nhiên do thủy triều đang lên nên cứ cưa nóc cabin đến đâu thì nước dâng lại đẩy tàu lên kẹt dính lại như cũ đến đấy. Phương án này hiện coi như đã thất bại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm