Con tàu mắc kẹt không chỉ làm cản trở dòng chảy, mà còn gây xói lở cục bộ và tạo lực tác động ngang rất lớn lên trụ cầu số 4, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của cầu sông Gianh.
Trao đổi với báo chí về vụ việc này, Phó Ban Thường trực-Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Long khẳng định: "Không thể để con tàu Huy Hoàng 26 mắc kẹt lâu dài dưới chân cầu sông Gianh."
Chỉ đạo giải quyết sự cố trên, Bộ Giao thông Vận tải đã có công điện yêu cầu tỉnh Quảng Bình nhanh chóng xử lý trục vớt tàu, giải phóng lòng sông, bảo đảm an toàn cho cầu sông Gianh. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình cũng đã bàn bạc thống nhất các biện pháp khắc phục để sớm “giải cứu” con tàu bị mắc kẹt dưới chân cầu.
Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng yêu cầu công ty cổ phần vận tải và thương mại Trường Thành chịu trách nhiệm tổ chức trục vớt ngay tàu Huy Hoàng 26 ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của cầu Gianh và luồng chảy tàu thủy nội địa sông Gianh, không được để chậm trễ nhằm tránh các hậu quả tiếp theo. Khi triển khai trục vớt, chủ tàu phải có đầy đủ hồ sơ được các cơ quan có thẩm quyền cho phép và đơn vị quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận.
Tuy nhiên, cho đến nay đã hàng chục ngày trôi qua, tàu Huy Hoàng 26 vẫn nằm lơ lửng dưới đáy sông ngay bên chân trụ số 4 của cầu sông Gianh.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc xử lý sự cố là do chi phí trục vớt quá lớn, trên 2 tỷ đồng. Do đó, công ty cổ phần vận tải và thương mại Trường Thành chưa chấp thuận mức chi phí này, đồng thời đã có văn bản “cầu cứu” phía Tổng Công ty bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) khu vực Bắc Trung Bộ (nơi tàu Huy Hoàng 26 đăng ký mua bảo hiểm) để được ứng trước 40% giá trị bảo hiểm, lấy kinh phí trục vớt.
Tuy nhiên, ông Hoàng Tuấn Sơn - Trưởng đại diện PVI Bắc Trung Bộ tại Quảng Bình lại cho biết về nguyên tắc, phải có đầy đủ hồ sơ của các cơ quan chức năng như biên bản hiện trường, kết luận nguyên nhân tai nạn và kết luận của cơ quan chức năng về mức độ thiệt hại thì mới có căn cứ thực hiện việc chi trả bảo hiểm, tạm ứng. Nhưng cho đến thời điểm này, ông Sơn khẳng định vãn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan đến vụ việc.
Trong lúc bên mua, bên bán bảo hiểm chưa tìm được tiếng nói chung trong việc “giải cứu” con tàu, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sông Quảng Bình cho biết để đảm bảo an toàn cho phương tiện qua lại trong khu vực, công ty đã có văn bản yêu cầu công ty cổ phần vận tải và thương mại Trường Thành khẩn trương tiến hành trục vớt, thông luồng và phải hoàn tất chậm nhất là ngày 20/12/2010.
Nếu quá thời gian trên chủ tàu không tổ chức trục vớt thì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sông Quảng Bình sẽ báo cáo với các cơ quan chức năng cho triển khai trục vớt và mọi chi phí cho việc trục vớt sẽ do công ty cổ phần vận tải và thương mại Trường Thành phải chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định./.
Theo Phan Đình Quân (TTXVN/Vietnam+)