Đó là một trong hàng trăm ý kiến bạn đọc khi bình luận về bài báo"Tử hình quan tham không giải quyết được gì?"(Pháp Luật TP.HCMngày 4-5).
Theo bài báo nói trên, trong các hội thảo, hội nghị góp ý dự án BLHS (sửa đổi), hầu hết các ý kiến đều đồng tình là không bỏ án tử hình với các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhằm răn đe và trừng trị nạn tham nhũng.
Tuy nhiên, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, thành viên Hội đồng Thẩm định các dự án luật của Chính phủ, lại có quan điểm khác hẳn.
Cụ thể ông Độ cho rằng nên bãi bỏ án tử hình đối với những tội danh này vì nếu có tăng hình phạt lên đến mức cao nhất là tử hình thì cũng không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc giải tỏa bức xúc của xã hội.
Theo ông Độ, vấn đề quan trọng nhất đối với án tham nhũng là thu hồi tài sản. Nên coi quy định “người bị kết án tử hình nếu nộp ít nhất 1/2 số tài sản do phạm tội mà có thì được giảm án xuống còn tù chung thân”là một trong những phương cách thu hồi tài sản tham nhũng chứ không nên nâng quan điểm cho rằng đây là hành vi nộp tiền chuộc mạng. Quan điểm của ông Độ là phải có các chính sách kinh tế, xã hội tạo công ăn việc làm, giáo dục con người, nhà trường phải dạy đạo đức, lối sống… Đó mới là những vấn đề chính yếu để thiết lập một xã hội lành mạnh, không có tham nhũng.
“Thông thường, tòa chỉ tuyên phạt tử hình người tham nhũng hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Người bị kết án có thể nghĩ “đã tử hình thì thôi, chẳng cần nộp đồng nào nữa” cho xong. Nếu thu hồi được 1/2 hoặc 2/3 số tài sản tham nhũng về cho nhân dân, cho Nhà nước và để cho người ta xuống tù chung thân thì rõ ràng điều đó có lợi hơn là tử hình người tham nhũng mà chẳng thu hồi được gì, đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước ta” - ông Độ nói.
"Hoa tham nhũng" sẽ nở rộ cả 4 mùa?
Ngay sau khi báo đăng, hàng trăm bạn đọc đã tới tấp gửi ý kiến về PLO phản đối quan điểm này. Hầu hết các ý kiến đều không đồng ý với phân tích của ông Độ cho rằng đối với loại tội phạm này thì nên phòng ngừa là chính (chứ không cần thiết phải tử hình - PV). Theo nhiều bạn đọc, việc quy định xử phạt bằng tội tử hình đồng thời cũng đã là một cách phòng ngừa hữu hiệu nhất đối với các quan tham.
Bạn đọc Cựu chiến binh bất bình cho rằng bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh trên là khuyến khích chúng phát triển thêm: “Trong soạn thảo luật xin đừng "vì lợi ích nhóm" bởi nó sẽ tiêu diệt uy tín của Đảng và phá hủy Nhà nước ta. Nhân đạo không đúng chỗ với tội ác đồng nghĩa với vô nhân đạo với nhân dân, lương tri và người vô tội”.
Theo bạn Trần Quang, “tội phạm tham nhũng là những người có ăn học đàng hoàng, có chức có quyền trong xã hội chứ không phải người thất học, không nghề nghiệp đâu” do đó, ông Độ cho rằng để giải quyết tham nhũng thì nên chú trọng đến những vấn đề khác như tạo công ăn việc làm, giáo dục con người… là hoàn toàn mâu thuẫn.
Đồng tình với ý kiến này, bạn Tô Hà cũng cho rằng ông Độ đã tự mâu thuẫn khi vừa cho rằng "đấu tranh chống tham nhũng quan trọng là phòng ngừa" trong khi khung hình phạt đến tử hình chính là một trong những biện pháp mang tính phòng ngừa mạnh: “Ông bảo "Phải có các chính sách kinh tế-xã hội tạo công ăn việc làm, giáo dục con người, nhà trường phải dạy đạo đức, lối sống… " có vô lý quá không khi: Người tham nhũng phải là người có quyền, tức họ đã có việc làm rồi thì tạo cái gì? Giáo dục điều gì?”
“Tham nhũng gắn liền với quyền lực chính trị, chỉ có những người có chức có quyền mới tham nhũng được. Nhiều vụ án tài sản tham nhũng không thu hồi được do chủ thể được bồi thường lại không làm đơn yêu cầu thi hành án, lại có những vụ án tài sản tham nhũng bị tẩu tán hết đến khi tuyên án chỉ còn cái xác… Trong bối cảnh này nếu bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham nhũng khác nào khuyến khích các quan tham nhũng nhiều hơn”- bạn Hoàng Annêu quan điểm.
Bạn nguyenhiepphản đối: “Án tham nhũng còn áp dụng tội tử hình mà còn không triệt xóa được nạn vơ vét tài sản của nhà nước và nhân dân, xóa bỏ án tử hình tội tham nhũng tôi e nạn tham nhũng sẽ hoành hoành từ việc nhỏ cho đến việc lớn”.
Tuyệt vọng hơn, bạn có nick dân đen than thở: “Quan điểm như thế này thì bọn “sâu mọt đục khoét” sẵn sàng vào tù ăn cơm gà để “hi sinh đời bố củng cố đời con"”.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyên Phúc ví von: “Hiện nay tham nhũng ở nước ta đang nở rộ như hoa mùa xuân. Nếu bỏ hình phạt tử hình của tội danh này thì tôi e rằng hoa sẽ… nở rộ vào cả 4 mùa”.
Ảnh minh họa: internet
Nộp lại tài sản tham ô, tham nhũng là trách nhiệm của “quan tham”
Trong bài báo, ông Độ phân tích cho rằng nếu biết mình bị tử hình, các quan tham sẽ chẳng cần nộp lại đồng nào nữa, như vậy nhà nước sẽ không thu hồi lại được tiền. Tuy nhiên, theo bạn đọc, nhà nước phải có các biện pháp để thu hồi lại tài sản tham nhũng từ các quan tham, việc nộp lại hay không không phải do các quan tham quyết định, mà do trình độ, năng lực điều tra, thu hồi của các cơ quan chức năng nhà nước đến đâu.
Nộp lại tiền tham nhũng, tham ô là bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ của các quan tham khi phạm tội, sao có thể “vui buồn” mà muốn hay không muốn nộp được. Các bạn đọc cũng đồng loạt cho rằng nếu cho nộp một nửa tài sản phạm tội mà thoát án tử thì… chỉ việc tham nhũng gấp đôi rồi trả lại một nửa là OK.
Ở góc độ một người dân, bạn Vương Giaphân tích: “Nghiêm trị tham nhũng và buộc thu hồi tài sản tham nhũng là trách nhiệm của nhà nước. Người thân của bị cáo phải là người chịu trách nhiệm thay bị cáo trả. Thu hồi tận gốc tài sản đã bị tẩu tán mới có tính răn đe. Tham nhũng 1.000 tỉ trả 500 tỉ thì phần còn lại vẫn ung dung hưởng thật vô lý”.
Bạn hoxuanphuc viết: “Trong số tiền tham ô, tham nhũng cá nhân, quan tham chỉ phung phí một ít thôi, còn phần lớn nằm ở đâu chắc ai cũng biết: Ở thân nhân như cha mẹ, vợ con họ; ở nơi các vị được chia phần, đút lót chứ ở đâu!”.
Bạn Trần Minh Hiếu khẳng định: “Vấn đề thu hồi tổn thất nên quy về năng lực làm việc cuả cơ quan điều tra, không thể vì thế mà giảm tội cho đối tượng tham ô, tham nhũng được”.
Ý kiến nhận được nhiều “Like” là của bạn An Ngọc. Theo bạn đọc này, việc so sánh luật pháp các nước về bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng và vấn đề mục đích của xử lý tội tham nhũng là thu hồi tài sản; việc tuyên án tử hình tử hình thì người bị tử hình sẽ không hoàn trả tiền tham nhũng là những so sánh lập luận phiến diện. “Các nước bỏ tử hình, thậm chí không có án tử hình như Thụy Điển, Na Uy pháp luật họ rất nghiêm minh, rõ ràng. Đối với thu nhập không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ bị phạt, bị truy thu, xử lý hình sự, do vậy đâu cần đến án tử hình, còn VN ta thu nhập bất hợp pháp, tài sản không rõ nguồn gốc vẫn được giữ và không bị xử lý, do vậy dẫn đến tham nhũng tràn lan, không sợ pháp luật. Nếu bỏ tử hình, cho họ thu nộp tài sản, thì thú thật ai có chức có quyền cũng dễ dẫn đến tham nhũng vì không còn sợ bất cứ vấn đề gì nữa, khi bị phát hiện nộp 1/2 thậm chí 3/4 tài sản tham nhũng thì số còn lại vẫn có thể nuôi con cháu thoải mái sống ba bốn đời”- bạn đọc An Ngọc viết.
***
Bên cạnh các ý kiến kiên quyết cho rằng phải nghiêm trị loại tội phạm tham ô, tham nhũng, dứt khoát không được cho phép nộp tiền để được giảm án, cũng có một số ý kiến ủng hộ quan điểm của nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ.
Những ý kiến ủng hộ tựu chung đều bởi sự phân vân vì tính nhân văn khi đứng trước sự sống và cái chết, cho rằng việc giảm án tử là thể hiện tính nhân đạo của pháp luật nước ta.
“Nếu khắc phục hậu quả để tránh được tội chết thì cũng hay. Ngoài việc thể hiện tính nghiêm minh, nhân đạo, còn thu hồi được tiền của cho dân. Đứng trước cái chết và sự sống thì thân nhân họ phải cân nhắc, đặc biệt là "các vị chưa bị lộ" cũng ơn trời đem trả cho nhanh” - bạn Hoxuanphuc hy vọng.
Bạn Cao dungtuy không đồng tình việc bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng, tham ô, nhưng theo bạn “nếu người phạm tội đã khắc phục được đầy đủ hậu quả thì có thể xem xét để giảm án từ tử hình xuống tù chung thân. Như thế thì người bị kết tội tham nhũng vẫn bị xử lý nghiêm mà vẫn thu hồi được tài sản cho Nhà nước”.
“Theo tôi chỉ giảm xuống chung thân cho những người thực sự hối cải và bồi thường được phần lớn thiệt hại” - bạn Dục Vũ Đình viết.
Trong tình hình xã hội hiện nay, việc đề xuất cho nộp tiền để được giảm án tử, đặc biệt là áp dụng đối với các tội phạm tham nhũng, có thể sẽ gây hiệu ứng ngược đối với tinh thần quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Đề xuất gây nhiều tranh cãi trong dư luận bởi nếu đã quyết tâm phòng, chống sao có thể đột nhiên đề xuất mở một đường “thoát chết” cho loại tội phạm vốn vẫn được ví như một thứ “giặc nội xâm” như thế.
Không thể nại lý do rằng giảm án thì sẽ thu hồi được nhiều tiền của thất thoát của nhà nước. Việc thu hồi được đủ hay thiếu, nhiều hay ít là căn cứ hoàn toàn vào năng lực làm việc của các cơ quan chức năng, đơn vị điều tra, việc giảm án hoàn toàn không liên quan đến điều này.
Có thể mượn ý kiến của bạn An Ngọc để thay lời kết: “Bỏ án tử hình là có thể bỏ, song bỏ vào lúc nào thì nên cân nhắc, tính toán. Trong giai đoạn hiện nay, pháp luật chưa đầy đủ, biện pháp phòng ngừa chưa hoàn thiện, tham nhũng tràn lan thì án tử hình vẫn còn cần thiết. Việc tử hình thì vẫn phải buộc thu hồi tài sản, thân nhân người tham nhũng có những tài sản bất minh vẫn phải chịu biện pháp thu hồi và bị xử lý nếu họ cố tình không giao nộp”.