Theo công văn này, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh đề nghị thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, UBND các xã – thị trấn: Trong các cuộc Hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, đồ uống sản xuất trong tỉnh như: bia Sài Gòn của Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim… và các sản phẩm khác được sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đối với các nhà hàng, khách sạn, đơn vị kinh doanh… trên địa bàn huyện, ông chủ tịch đề nghị "ưu tiên giới thiệu các loại sản phẩm này".
Một công văn thiếu khách quan
Những tưởng một công văn có ý ủng hộ hàng Việt, đặc biệt là sản phẩm địa phương sẽ được ủng hộ. Thế nhưng, đại đa số bạn đọc đều phản đối đề nghị này của ông chủ tịch huyện. Trong đó hầu hết đều nói công văn có phần hạn chế quyền tự do lựa chọn của khách hàng, thiếu khách quan khi có ý “đặt để” sở thích của người tiêu dùng. Bạn đọc Trần Vân Anh nói: “Biết là các doanh nghiêp đó đã mang về GDP cho tỉnh, nhưng người tiêu dùng có quyền chọn lựa chứ”.
Một số bạn đọc khác cho rằng công văn này sẽ gây khó cho doanh nghiệp không được nêu tên trong công văn. “Các doanh nghiệp khác sẽ gồng mình trước công văn này”, bạn đọc Bình, đứng từ vị trí của giới kinh doanh nhận xét.
Công văn đăng trên Cổng thông tin điện tử huyện Kỳ Anh (kyanh.gov.vn). Tuy nhiên, nội dung này đã được gỡ xuống vào tối 27-8. Ảnh: ĐL
Không ít ý kiến phản ứng mạnh hơn khi phản đối việc chủ tịch huyện “can thiệp” vào việc lựa chọn món ăn, đồ uống của người địa phương. Những ý kiến như công văn quá bảo thủ, kiểu ra luật "sau lũy tre làng" nơi cái lệ mạnh hơn cái luật khá nhiều.
Những bạn đọc có kiến thức pháp luật hơn thì nói công văn này đã vi phạm luật cạnh tranh, bạn đọc Chi Anh “dự đoán” các hãng bia sẽ xúm vào kiện người ban hành công văn do vi phạm quy định trên.
Dẫu biết đây chỉ là một đề nghị, mang tính khuyến khích, vận động nhiều hơn là yêu cầu, song bạn đọc cũng không khỏi lấn cấn rằng việc ban hành một công văn, có mộc đỏ, đại diện cho cơ quan công quyền như vậy thì liệu đã đúng với nhiệm vụ, quyền hạn hay chưa?
Công văn có mục đích tốt
Bên cạnh nhiều ý kiến phản đối thì số người ủng hộ quan điểm của huyện Kỳ Anh cũng không ít. Hầu hết các độc giả đều cho là sử dụng hàng Việt sẽ tăng cường doanh thu cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó trực tiếp đóng góp vào GDP của nước nhà.
“Việc ông Bổng ra công văn ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là sản phẩm tỉnh nhà là việc có ích. Có lẽ ở nông thôn, nơi có nhà máy đóng trụ sở thì việc động viên như thế này để tăng nguồn thu cho ngân sách không có gì là sai. Nên cổ vũ người Việt dùng hàng Việt”, đây là ý kiến của bạn đọc Tranno.
“Tôi đồng ý với vị chủ tịch trên, muốn có thu ngân sách thì phải có chính sách cho doanh nghiệp“, bạn đọc Anh Phương nêu chủ kiến.
Bạn đọc Phạm Đăng còn giải thích tỉ mỉ giúp cho chính quyền địa phương: “Bia Sài Gòn và nước khoáng có nhiều đóng góp cho việc phát triển của Tỉnh, ko ưu tiên nó không phát triển được mà rút nhà máy đi thì người lao động thất nghiệp ai giải quyết được việc làm, ủng hộ ở đây không đơn giản chỉ là cá nhân mà là đang ủng hộ cho cả 1 cộng đồng, cộng đồng bé phát triển thì cộng đồng lớn mới phát triển được chứ, tôi tán thành”.
Công văn của chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường
Hợp lý nhưng hình thức liệu đã phù hợp?
Bạn đọc Nguyễn Thanh Bình nói vận động người dân địa phương tham gia dùng hàng VN sản xuất tại tỉnh nhà thì không có gì sai. Nhưng vận động "nghiêm túc" không có́ nghĩa là ép buộc, hay gây áp lực với người tiêu dùng.
Bạn đọc Rosa cũng góp ý rằng nội dung công văn hoàn toàn tích cực, mục đích rõ ràng và phù hợp, tốt cho địa phương, tuy nhiên nên sửa lại hình thức để nó đúng với tính chất là sự vận động, khuyến khích chứ không phải áp đặt.
“Trước tiên tôi đồng tình với Chủ tịch UBND huyện là vì mục tiêu chung về sự thu hút các doanh nghiệp phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh nên khuyến khích người dân tiêu dùng sản phẩm đó, điều này hoàn toàn hợp lý, chỉ sai khi anh có hành vi cưỡng chế nếu họ không thực hiện và có thể sai nếu anh lợi dụng việc công để tư lợi”, bạn đọc Trần Tự Lực nói.
***
Rõ ràng đã có những luồng quan điểm khác nhau của bạn đọc xung quanh sự kiện này. Tuy nhiên dù cho mục đích tốt đi chăng nữa nhưng trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh bình đẳng thì việc một người đứng đầu chính quyền địa phương lại ra văn bản như vậy e rằng khó được thông cảm.
Ngay ở tầm trung ương, khi xây dựng cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt trên phạm vi toàn quốc thì đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện cũng là Mặt trận tổ quốc chứ không phải là cơ quan quyền lực. Hy vọng chính quyền huyện Kỳ Anh sẽ lắng nghe những góp ý của dư luận để có những điều chỉnh phù hợp với luật pháp khi thực hiện chủ trương này.