Theo công văn (ngày 14-5), hằng năm trên cơ sở nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển GTNT được tỉnh phân bổ và kinh phí đối ứng ngân sách của mình, UBND các huyện, TP xác định lại khối lượng công trình GTNT thực hiện trên địa bàn và nhu cầu xi măng cần sử dụng. Phân bổ kế hoạch xây dựng đường GTNT và số lượng xi măng cho các xã. Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã lập kế hoạch sử dụng, thời gian cung ứng và vị trí tiếp nhận xi măng gửi các cơ quan chuyên môn của huyện để tổng hợp. UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn làm việc cụ thể với Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2, thỏa thuận… ký hợp đồng mua xi măng của công ty.
Công văn của tỉnh Quảng Nam
Công văn này cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 tổ chức mở rộng đại lý phân phối xi măng tại trung tâm các huyện, TP để thuận tiện cho việc cung ứng và làm việc với UBND các huyện, TP để ký hợp đồng tiêu thụ…
Sau khi công văn về các địa phương, đến tháng 6, tỉnh Quảng Nam quyết định phân bổ 80 tỉ đồng vốn vay tín dụng ưu đãi năm 2014 để thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, đầu tư các dự án GTNT… và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn. Quyết định này nhấn mạnh “riêng đối với kinh phí hỗ trợ Chương trình bê tông hóa GTNT, yêu cầu UBND các huyện, TP thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn ngày 14-5”.
Tiếp đó, ngày 25-8, tỉnh Quảng Nam tiếp tục hỗ trợ huyện Thăng Bình 9 tỉ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi năm 2014 để thực hiện lồng ghép đầu tư các dự án GTNT và giao các sở ngành, UBND huyện “làm việc với Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành 2 để phối hợp thực hiện cơ chế hỗ trợ theo chỉ đạo của UBND tỉnh trước đây”.
Nhiều người cho rằng tỉnh cấp kinh phí cho địa phương lại có công văn như thế chẳng khác nào buộc địa phương phải mua loại xi măng mà tỉnh ấn định.
LÊ PHI