Tính đến trưa 11-8, ứng dụng “khẩu trang điện tử” Bluezone đã đạt 14,9 triệu lượt tải.
Đến nay vẫn có nhiều bạn đọc thắc mắc về quy trình hoạt động của Bluezone ra sao, tính bảo mật thế nào...
Cách truy vết và cảnh báo
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth để truy vết tiếp xúc, đồng thời có thể cảnh báo nếu như người dùng từng ở gần những người bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, để ứng dụng truy vết tối ưu nhất, số lượng người dùng sẽ phải đạt khoảng 30 triệu người.
“Khi có một ca nhiễm bệnh, lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng cho biết người dùng đã từng tiếp xúc với người này hay chưa nếu cả hai đều dùng Bluezone. Vì vậy, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao” - ông Nguyễn Huy Dũng nói.
Ông Trần Việt Hải, thành viên nhóm phát triển ứng dụng Bluezone, cho biết khi một người được xác nhận nhiễm COVID-19, thông tin từ Bluezone của người bệnh sẽ được Bộ Y tế đưa lên hệ thống.
Tiếp đó, Bluezone trên máy của những người cài đặt sẽ tự động lấy thông tin từ hệ thống đối chiếu với lịch sử tiếp xúc trên máy của mình. Nếu có sự trùng khớp, hệ thống sẽ cảnh báo cho người là F1 trước, sau đó lại tiếp tục khai thác F1 thì ra được F2...
Lúc này, màn hình ứng dụng Bluezone sẽ hiển thị thông tin hướng dẫn người dân liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền nơi gần nhất để nhận được trợ giúp.
Các smartphone khi cài đặt ứng dụng Bluezone có thể nhận diện nhau bằng Bluetooth ở khoảng cách 2 m mà không cần kết nối mạng 3G/4G/WiFi.
Các nhân viên tổng đài của Bkav đang giải đáp thắc mắc của người dùng về ứng dụng. Ảnh: V.THỊNH
Quy trình hoạt động của Bluezone. Ảnh: Cục An toàn thông tin
Không thu thập vị trí người dùng
Một trong những vấn đề được bạn đọc quan tâm là tính bảo mật khi ứng dụng được bật.
Theo đại diện nhóm xây dựng ứng dụng Bluezone, ứng dụng này chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server, không thu thập vị trí.
Khi người dùng cài đặt Bluezone trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí. Đại diện nhóm phát triển ứng dụng Bluezone khẳng định rằng yêu cầu cấp quyền vị trí là do chính sách của Google: Khi bật Bluetooth BLE máy sẽ tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên, Bluezone không sử dụng tới quyền đó.
“Ứng dụng này chỉ ghi nhận hai người đã từng gặp nhau và gặp nhau trong bao lâu, chứ không biết vị trí chính xác.
Người dùng Bluezone sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra. Để tăng tính bảo mật, mã ID này sẽ được thay đổi liên tục sau mỗi 15 phút” - ông Trần Việt Hải cho biết.
Theo ông Hải, nguyên lý hoạt động của Bluezone dựa trên việc xác định tiếp xúc gần thông qua công nghệ Bluetooth.
Sở dĩ Bluetooth được lựa chọn bởi công nghệ này có độ chính xác cao và ít sai số nhất so với các giải pháp hiện có.
Việc sử dụng Bluetooth để xác định tiếp xúc cũng sẽ bảo mật được vị trí người dùng.
Để tăng tính minh bạch, đơn vị phát triển Bluezone đã công khai mã nguồn của ứng dụng này lên website GitHub.com và Bluezone.gov.vn.
Do đó, những người hiểu biết về lập trình có thể tự kiểm tra bằng việc truy cập các website này.
Lý do Bkav được chọn Từ tháng 4-2020, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tham gia vào xây dựng giải pháp truy vết tiếp xúc gần sử dụng công nghệ Bluetooth và tổ chức chấm thi. Cuộc thi này có sự tham gia của nhiều đơn vị. Ứng dụng Bluezone của Tập đoàn Bkav sau đó đã được lựa chọn. Theo tôi, lý do để ứng dụng của chúng tôi được lựa chọn dựa trên rất nhiều khía cạnh như chỉ tiêu về công nghệ, khả năng bắt quét các trường hợp, tiết kiệm năng lượng và năng lực triển khai. Đội ngũ nhân viên sau đó đã phải thức trắng đêm để hoàn thiện sản phẩm. Khi phát triển ứng dụng, chúng tôi muốn người dùng cảm thấy thoải mái vì ứng dụng không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí của người dùng. Nhờ vậy đảm bảo tính riêng tư, minh bạch. Mọi thứ chúng tôi làm đều mở hết mã nguồn để cộng đồng trong nước, cả cộng đồng quốc tế có thể tham gia vào đánh giá mã nguồn đó. Ông TRẦN VIỆT HẢI, Giám đốc sản phẩm di động Tập đoàn Bkav, thành viên nhóm phát triển ứng dụng |