Tổ chức Động vật Châu Á lên tiếng về vụ tiêu hủy 13 chú chó ở Cà Mau

Trao đổi với PLO liên quan đến việc tiêu hủy đàn chó của gia đình ông Phạm Minh Hùng khi về Cà Mau tránh dịch, ngày 11-10, Tổ chức Động vật Châu Á cho biết đã nhận được rất nhiều email và phản hồi của các cá nhân hỏi về phản ứng khi nhận được thông tin trên.

Phản ứng trước sự việc này, Tổ chức cầu mong an toàn và sức khoẻ đến gia đình các chủ nuôi đang điều trị COVID-19 và xin gửi lời chia sẻ, động viên đến gia đình anh Hùng, anh Khanh (chủ của đàn chó mèo). Tổ chức cũng cảm thông với những áp lực chống dịch của chính quyền địa phương.

“Chúng tôi cho rằng quyết định tiêu hủy động vật nêu trên được đưa ra một phần là do thiếu quy định cụ thể, rõ ràng về cách xử lý động vật nuôi của người đi cách ly do mắc COVID -19 hoặc nghi mắc COVID -19. Tuy quyết định tiêu hủy động vật ở trên được đưa ra với lý do sợ lây lan dịch bệnh nhưng việc tiêu hủy động vật nuôi (chó, mèo) để tránh lây lan dịch COVID -19 là chưa có căn cứ thuyết phục”- đơn vị này cho biết.

Theo Tổ chức Động vật Châu Á, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Hội Thú y Mỹ (AVMA), Hội Thú y Anh quốc (BVA), Hội Thú y thú nhỏ Thế giới (WSAVA) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đều đưa ra các tuyên bố khẳng định và nhấn mạnh "Chưa có bằng chứng đáng kể và đầy đủ nào cho thấy thú cưng và các động vật nuôi phổ biến có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 sang người và trở thành mối đe doạ đối với con người".

Đến nay, chưa có khuyến cáo nào khẳng định nên tiêu hủy vật nuôi để tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. 

15 con chó theo vợ chồng ông Phạm Minh Hùng về quê. (Ảnh cắt từ clip)

Ngoài việc thiếu căn cứ khoa học, theo Tổ chức Động vật Châu Á, quyết định tiêu hủy 13 chú chó của chủ nuôi trong trường hợp trên chưa có sự cân nhắc kỹ lưỡng, thiếu nhân đạo với động vật, gây tổn hại tài sản của chủ nuôi và gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của chủ nuôi, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Cách đối xử thiếu nhân đạo với vật nuôi này đi ngược với tinh thần đối xử nhân đạo với động vật trong Luật Chăn Nuôi (2018) và Luật Thú y (2015), ngược với xu hướng đối xử nhân đạo với động vật trên thế giới.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, động vật được đối xử nhân đạo, đảm bảo sức khỏe tinh thần của chủ nuôi và tránh các sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra, Tổ chức Động vật Châu Á sẽ kiến nghị Bộ Y tế, Cục Thú y đưa ra hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và nhân đạo với động vật cho các đơn vị thực thi về việc cách ly thú cưng của những người dân phải cách ly do mắc COVID -19 hoặc nghi mắc COVID -19.

Sau khi tham khảo thông tin cách ly của một số quốc gia khác trên thế giới, và theo chuyên môn về phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật Châu Á kiến nghị như sau:

(1) Động vật nuôi của chủ nuôi đi cách ly do mắc COVID -19 hoặc nghi mắc COVID -19 được cách ly dưới sự chăm sóc của người hoặc nhóm cứu trợ do chủ nuôi ủy nhiệm.

(2) Trong trường hợp chủ nuôi phải tự chăm sóc cho động vật nuôi, chủ nuôi cần được tạo điều kiện để đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch gồm:

-Đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học trong quá trình tiếp xúc với động vật, bao gồm: rửa tay trước và sau khi tiếp xúc, khi xử lý thức ăn, phân hoặc dụng cụ liên quan đến động vật.

- Không để động vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác.

(3) Động vật được chăm sóc tại trung tâm cứu trợ, hoặc trong quá trình xử lý và cách ly cần được đối xử nhân đạo theo quy định tại các điều 69, 70, 71 của Luật Chăn nuôi 2018. Trong trường hợp động vật mang mầm bệnh nguy hiểm gây nguy cơ lây nhiễm cao và dẫn đến tử vong cho người và cho các động vật khác, động vật mắc bệnh gây đau đớn cho bản thân động vật và không thể cứu chữa, động vật nên được tiêu hủy nhân đạo.

(4) Vật nuôi có thể kết thúc thời gian cách ly sau tối thiểu 14 ngày kể từ lần cuối cùng có kết quả test dương tính với COVID -19 và không có triệu chứng của bệnh trong vòng ít nhất 72 giờ mà không cần điều trị thú y HOẶC có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID -19.

(5) Không khuyến khích chủ nuôi bỏ rơi chó, mèo. Nếu phải tiêu hủy chó, mèo vì lý do bất khả kháng, quyết định này cần đạt được sự đồng thuận của chủ nuôi bằng văn bản.

(6) Các địa phương lập danh sách trung tâm, nhóm cứu trợ vật nuôi và hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các biện pháp chăm sóc, cách ly vật nuôi đảm bảo nguyên tắc phòng dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm