Ban hành pháp luật phải vì sự phát triển

(PLO)- Quốc hội đã có sự thay đổi mạnh trong công tác lập pháp; Chính phủ cũng có nhiều phiên họp định kỳ về xây dựng pháp luật. Đây là chỉ dấu quan trọng về định hướng pháp luật vì sự phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời còn là sinh viên trường luật, tôi vẫn giữ vững niềm tin rằng một đạo luật mới được ban hành thể hiện sự quan tâm thúc đẩy phát triển, tạo ra động lực phát triển của ngành nghề lĩnh vực đấy.

Sau này trong công việc, khi tiếp xúc, thảo luận với doanh nghiệp, người kinh doanh thì tôi nhận ra thêm một điều rằng pháp luật không chỉ là ước mong, là ý chí mà nó còn tạo ra chi phí, rất nhiều chi phí.

Quy định rất đắt đỏ!

Đó là chi phí mà doanh nghiệp và người dân phải bỏ ra để tuân thủ đúng quy định. Chẳng hạn chỉ một câu quy định thôi như doanh nghiệp muốn kinh doanh gas phải có điều kiện tối thiểu sở hữu 100.000 bình gas của một nghị định cách đây vài năm nhưng có thể làm một doanh nghiệp phải bỏ ra hàng chục, hàng trăm tỉ đồng để đáp ứng thêm điều kiện. Nếu có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp ngành này thì con số sẽ lớn như thế nào!

Đó còn là chi phí của bộ máy, cơ quan nhà nước phải đầu tư để tổ chức thực hiện quy định. Đó còn là chi phí của xã hội khi những quy định không hợp lý ngăn cản cạnh tranh, tạo ra độc quyền, cản trở doanh nghiệp mới gia nhập thị trường khiến doanh nghiệp không có động lực phải đổi mới, sáng tạo, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Một điều khá phổ biến trong quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam là trong tờ trình hay lý giải lý do cần ban hành nghị định này, thông tư kia là “vì mục tiêu đảm bảo quản lý nhà nước”. Thực ra quản lý nhà nước không phải là mục tiêu mà chỉ là một cách thức, phương thức để đạt tới mục tiêu. Mục tiêu mà Nhà nước cần hướng tới là phải đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia, an toàn xã hội, duy trì trật tự công, bảo vệ người tiêu dùng và quan trọng là phải thúc đẩy sự phát triển.

Đạt được các mục tiêu này có nhiều lựa chọn, đa phần là Nhà nước tạo ra “luật chơi” rõ ràng, minh bạch để thị trường tự vận hành, tự cạnh tranh. Giải pháp nữa là cung cấp đầy đủ thông tin, giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn người dân…

Nhiều chưa chắc đã tốt

Điều mà nhiều doanh nghiệp ngán ngại, ngay cả các cơ quan thực thi cấp địa phương cũng rất lo lắng là tình trạng có quá nhiều quy định và “tuổi thọ” của các quy định thay đổi quá nhanh. Con số từ một báo cáo của Chính phủ là trong giai đoạn 1-1-2016 đến 20-7-2020, chúng ta có 112 luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, 645 nghị định của Chính phủ, 232 quyết định của Thủ tướng và 2.532 thông tư cấp bộ.

Đáng chú ý là tỉ lệ văn bản cấp dưới luật, đặc biệt là thông tư cấp bộ, hiện vẫn còn rất nhiều, theo con số ở trên thì 1 luật hiện nay sẽ có bình quân 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng, 25,8 thông tư cấp bộ…

Thử xem ở lĩnh vực đất đai. Ngoài Luật Đất đai 2013, theo thống kê của Bộ TN&MT thì để thực hiện luật này, Chính phủ đã ban hành đến 25 nghị định (trong đó có 16 nghị định ban hành mới, 7 nghị định sửa đổi, bổ sung và 2 nghị định ban hành thay thế); các bộ, ngành đã ban hành 59 thông tư, thông tư liên tịch, trong đó Bộ TN&MT đã chủ trì ban hành 46 thông tư.

Chính vì tính phức tạp của hệ thống quy định nên quá trình thực hiện rất khó khăn. Chi phí tìm hiểu và tuân thủ pháp luật quá cao, cơ quan thực thi mỗi nơi am hiểu pháp luật một khác nên cách thực hiện không giống nhau. Tìm được một chuyên gia để nhớ, để hiểu hết hệ thống pháp luật về đất đai thôi cũng là một điều cực kỳ khó.

Điều đáng nói là “con số nhiều” ấy tạo ra rất nhiều hệ lụy trong thực thi. Có trường hợp các văn bản hướng dẫn làm hạn chế, thậm chí vô hiệu hóa các văn bản luật. Thực tế có tình trạng dù luật đã được thông qua và có hiệu lực nhưng nếu nghị định và thông tư hướng dẫn chưa ban hành thì luật vẫn chưa thể đi vào cuộc sống.

Đó là chưa nói do có quá nhiều quy định, mỗi quy định lại đi theo hệ thống luật riêng, do mỗi bộ, ngành chủ trì soạn thảo… nên dễ dẫn tới tình trạng chồng chéo và xung đột, gây khó khăn cho việc thi hành…

Cầngócnhìnvì lợi ích chung

Một vấn đề lớn khác trong quy trình xây dựng pháp luật hiện nay là mỗi bộ, ngành đều từ góc nhìn quản lý của mình, thiếu thiết chế có vị trí phù hợp để đánh giá so sánh chi phí lợi ích chung của cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, nhiều chính sách được ra đời chưa có được góc nhìn toàn diện cho cả nền kinh tế mà thường bó hẹp góc nhìn trong lợi ích của từng ngành riêng lẻ. Thuận lợi cho một ngành nhưng chưa hẳn đã mang lại lợi ích tổng thể cho đất nước. Quy trình xây dựng văn bản pháp luật hiện nay thì cơ quan chủ trì soạn thảo (thường là một bộ, ngành) đóng vai trò chính. Các thành viên khác dù có thể đại diện nhiều nơi, nhiều tổ chức nhưng vai trò vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Việt Nam đã đi được một hành trình dài trong việc xây dựng và hoàn thiện một khung khổ pháp lý tương đối toàn diện và đầy đủ, đáp ứng tốt các yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, đã đến giai đoạn chúng ta cần dồn lực cho việc cải thiện chất lượng hệ thống pháp luật hiện có. Năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản phẩm của doanh nghiệp, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh, sự phát triển của nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào điều này.

Một tín hiệu tích cực là công tác cải cách thể chế hiện là công việc ưu tiên hàng đầu xác định trong nghị quyết Đại hội Đảng cho đến trọng tâm hoạt động của Quốc hội, Chính phủ. Quốc hội nhiệm kỳ này đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong công tác lập pháp. Chính phủ cũng đã có nhiều phiên họp định kỳ về xây dựng pháp luật hơn. Đây là điều để chúng ta vững tin hơn về định hướng pháp luật phải vì sự phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm