Bán hóa đơn khống cho hơn 2.000 DN, thu hơn 5.400 tỉ đồng

Bán hóa đơn khống với số lượng “khủng”

“Qua quá trình điều tra hơn một năm đến nay, chúng tôi chứng minh được: Trong sáu năm, đối tượng Nguyễn Trường (SN 1963, trú tại Hai Bà Trưng) đã thành lập 16 công ty, bán hóa đơn khống cho 2.295 doanh nghiệp, với số tiền 5.428 tỉ đồng. Với thủ đoạn: sau khi các công ty có nhu cầu mua hóa đơn ký hợp đồng, chuyển tiền qua ngân hàng thì Trường cùng với thủ quỹ các công ty ra ngân hàng rút ngay tiền mặt, sau đó chi trả ngay lại cho Trường 12%, còn lại 88%, các công ty mua hóa đơn mang về chi tiêu trong công ty” - Thiếu tướng Chung nói.

Ông Nguyễn Đức Chung -  Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Theo ông Chung, Trường đã thuê xe ôm với giá 1 triệu đồng để họ đem theo CMND  lên Sở KH&ĐT TP Hà Nội để làm thủ tục thành lập công ty, làm giám đốc doanh nghiệp. Sau đó thì Trường hoàn toàn quản lý hoạt động của các công ty ma này. Các công ty do Trường lập ra đã lợi dụng cơ chế tự in hóa đơn, để thuê in hóa đơn trong TP.HCM. Một số công ty đã mua các hóa đơn khống này để hợp thức hóa đầu vào các nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng hay các chi tiêu hành chính văn phòng của các bộ, ban ngành.

“Hiện Công an HN phối hợp chặt chẽ với VKSND HN đã hoàn chỉnh hồ sơ để truy tố các đối tượng liên quan. Riêng 2.295 doanh nghiệp (sử dụng hóa đơn khống của 16 doanh nghiệp ma trên), chúng tôi đã phối hợp với Cục Thuế để xử lý theo nhóm: Một là những công ty hợp thức hóa mua hóa đơn phục vụ chi tiêu công; thứ hai là hợp thức hóa đầu vào các công trình xây dựng cũng như các hoạt động kinh doanh, mua hóa đơn khống để rút tiền mặt ra; thứ ba là cũng có dấu hiệu tham nhũng. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ truy tố trước pháp luật. Đối với những công ty trốn thuế thì sẽ phối hợp với Cục Thuế để truy thu thuế, xác định hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay đã truy thu thuế hơn 50 tỉ đồng và hơn 2.000 m2 đất được các đối tượng mua bằng tiền rút ra từ hóa đơn khống” -Ông Chung nói.

Cũng theo ông Chung, quá trình điều tra cho thấy hiện còn nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp ma hoạt động như: quá trình cấp phép đăng ký kinh doanh hiện nay với thời gian ba ngày thì việc xác minh nhân thân của các đối tượng xin thành lập công ty, đứng tên làm kế toán trưởng, giám đốc công ty là dễ thiếu sót. Việc giám sát của các chi cục thuế đối với doanh nghiệp không chặt chẽ, thậm chí có sự tiếp tay của cán bộ thuế; cơ chế quản lý tiền mặt trong hệ thống ngân hàng, cụ thể là cơ chế rút tiền mặt, chi tiêu tiền mặt của các doanh nghiệp, các ngân hàng không chặt chẽ…

Nợ thuế tăng cấp số cộng

Trước đó, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) chất vấn nguyên nhân nợ thuế khó thu do đâu, đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Việc xử lý sẽ như thế nào và đã xử lý như thế nào?

 ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông).

Trả lời nội dung này, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết đến 2014 nợ thuế 18.600 tỉ, chậm nộp 5.000 tỉ đồng, sang năm 2015 chậm nộp 10 tháng là 7.000 tỉ đồng. Số nợ thuế tăng theo cấp số cộng, với mức tăng gần 2.000 tỉ mỗi năm. Trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên nhanh, riêng nhóm này đã là gần 2.500 nợ thuế.

“Trạng thái chủ yếu là những trường hợp thành lập ra để buôn bán hóa đơn, thành lập xong giải thể ngay, rất khó phát hiện. Chúng tôi phải căn cứ vào đối chiếu chéo, nhận diện sau đó phát hiện ra khoảng 400 tỉ của đối tượng doanh nghiệp thành lập ra buôn bán hóa đơn, đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an. Năm 2015 đã xử lý một số trường hợp và đang tiếp tục xử lý, trong đó đánh mạnh vào đối tượng cầm đầu. Các đối tượng này thường rất tinh vi, thường mượn chứng minh thư thuê làm giám đốc, các cơ quan công an mất rất nhiều thời gian” - ông Hải nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới