Ngày 19-1, tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.
Định danh nhà giáo
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết bộ đề xuất năm chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết 95-NQ/CP ngày 7-7-2023. Cụ thể là: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Trong chính sách tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo (giấy chứng nhận) được nhiều người quan tâm góp ý. Giấy chứng nhận này là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo.
Giấy chứng nhận thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Nhà giáo đã được cấp giấy chứng nhận khi trúng tuyển vào làm giáo viên tại cơ sở giáo dục công lập, hoặc khi thuyên chuyển và ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác không cần phải thực hiện chế độ tập sự.
Nhà giáo có giấy chứng nhận có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Đồng thời, việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục.
Còn băn khoăn
Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng cần có kỳ sát hạch năng lực nhà giáo về chuyên môn, đạo đức, phương pháp giảng dạy. Người vượt qua kỳ sát hạch sẽ được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, giấy này nên có thời hạn nhất định.
Trong khi đó, PGS-TS Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Văn Lang, băn khoăn các giáo sư là những người có chuyên môn đầu ngành, rất uy tín. Vậy ai sẽ là người cấp giấy chứng nhận cho họ và cấp như thế nào.
Ngoài ra, việc có thêm một chứng nhận nghề nghiệp thì phân cấp thực hiện ra sao, có xung đột với các chức danh, học hàm, học vị hiện nay hay không?
Ông Thủy cũng nhìn nhận sẽ rất khó áp dụng miễn chế độ tập sự khi nhà giáo thuyên chuyển công tác nếu có giấy chứng nhận. Lý do là các trường ĐH đã tự chủ và họ có quyền tuyển dụng hay từ chối bất cứ ai.
Về chính sách bồi dưỡng nhà giáo, TS Diệp Phương Chi, giảng viên chính - Viện Sư phạm kỹ thuật (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), cho rằng: Do công tác bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng mới cho nhà giáo là giáo viên và nhà giáo là giảng viên khác nhau về nội dung, phương thức và hình thức bồi dưỡng, do đó luật cần có những quy định chung và riêng cho hai nhóm.
“Với nhóm nhà giáo là giảng viên, Luật Nhà giáo nên có quy định rõ về các lĩnh vực bồi dưỡng gắn với đặc điểm ba nhiệm vụ cơ bản của giảng viên là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng” - TS Chi đề xuất.