Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất định, bất thường, thậm chí những xu hướng ngày càng khó khăn hơn, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024 đã phục hồi và tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Nhưng đánh giá, nhìn nhận và dự báo 9 tháng còn lại của năm thế nào, thì không hề đơn giản. Đây là chủ đề đặt ra trong hội thảo do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hôm nay, 11-4.
Kinh tế hồi phục nhưng còn mong manh
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh điểm lại một số diễn biến tích cực của nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm, như xuất nhập khẩu phục hồi khá, giải ngân đầu tư công được cải thiện nhiều, tài chính - tiền tệ vĩ mô ổn định…
Nhưng cạnh đó là không ít lo lắng.
“Đầu tư tư nhân chỉ tăng 2-3% trên danh nghĩa, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá, có thể tăng trưởng âm. Tín dụng cũng tăng rất chậm trong quý I, chỉ đạt 0,26%, thậm chí 2 tháng đầu năm từng tăng trưởng âm. Tín dụng cho vay với bất động sản không tăng”, ông Thành nói.
Tiêu dùng là một chỉ số cho thấy sức mạnh của nền kinh tế, bởi đây là một trong những động lực tăng trưởng. Vậy nhưng quý I vừa qua, tiêu dùng chỉ tăng 8,2%, còn xa với mức tăng trưởng cùng kỳ các năm trước đại dịch COVID-19, thường là trên 10%.
Cũng như vậy, số lượng doanh nghiệp rút lui cao hơn thành lập mới, và khó khăn bao trùm từ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cho đến một số tập đoàn lớn.
Đồng tình với đánh giá này, TS Lê Xuân Sang nhận định, sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, lĩnh vực bất động sản, thị trường tài chính… vẫn chưa rõ nét, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tư nhân "lép vế" và dấu hỏi về chất lượng tăng trưởng
Nhìn kỹ hơn vào kết quả tăng trưởng, đặc biệt là đóng góp của khu vực doanh nghiệp trong nước, ông Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ lo ngại, doanh nghiệp Việt đang thiếu những trụ cột, bệ đỡ. Đến nay vẫn chưa hình thành được nhiều chuỗi sản xuất Việt, lực lượng khởi nghiệp sáng tạo mỏng.
“96% doanh nghiệp trong nước thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ. Nền kinh tế mở, nhóm FDI chiếm 2/3 chiếc bánh xuất nhập khẩu. Tăng trưởng GDP quý 1 có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên khu vực doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ đóng góp 10% GDP trong khi đây là khu vực chủ lực”, ông Thiên băn khoăn.
Về kinh tế vĩ mô, dù ổn định nhưng theo ông Thiên, tự thân các con số ấy bộc lộ những nghịch lý cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Đó là tăng trưởng khá nhưng lạm phát thấp. Lạm phát thấp (3,5-4%) nhưng lãi suất lại quá cao (9-10%/năm). Kinh tế vĩ mô được cho là ổn định nhưng thị trường, doanh nghiệp, ngân hàng lại phải đối mặt với nhiều rủi ro.
"Cần nhận thức thực chất quan hệ giữa tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô" - TS Trần Đình Thiên nói.
Luật Đất đai, quy hoạch quốc gia và địa phương là động lực mới
Ở phần khuyến nghị, TS Võ Trí Thành cho rằng cần tiếp tục sửa đổi chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm quy trình và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ… Song song đó là tiếp tục các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Mức độ cải thiện tình hình năm 2024 còn tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài, song điều tiên quyết là nỗ lực chính sách và cải cách của Việt Nam”, ông Thành nhấn mạnh.
Còn Trần Đình Thiên cho rằng, để biến thách thức thành cơ hội, cần khai thác hiệu quả động lực từ Quy hoạch quốc gia, các luật mới như Luật Đất đai...
Nhưng để phát huy được các cơ chế, chính sách hiện có thì cần mạnh mẽ trao quyền cho các địa phương. Đồng thời gia tăng cơ hội thu hút đầu tư, có cách tiếp cận mới trong phát triển thị trường tài chính - tiền tệ; nghiên cứu xây dựng mô hình các khu sinh thái công nghiệp, khu thương mại tự do thế hệ mới...