Băn khoăn đề xuất hàm Đại tướng với công an biệt phái làm Phó Chủ tịch Quốc hội

(PLO)- Các Đại biểu Quốc hội thảo luận về đề xuất cấp hàm Thượng tướng đối với sỹ quan công an được biệt phái sang làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội và hàm Đại tướng đối với Phó Chủ tịch Quốc hội. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 27-5, Quốc hội thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Hai vấn đề được các Đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm là hàm Đại tướng đối với sỹ quan công an được biệt phái làm Phó Chủ tịch Quốc hội và hàm Thượng tướng đối với Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh.

ĐB Dương Văn Thăng (TP HCM) cho rằng, cần cân nhắc “trần” hàm Thượng tướng đối với Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh vì đây là chức danh được bầu. Hơn nữa, chức danh này nhiều năm qua do bên quân đội nắm giữ, nhiệm kỳ này mới là bên công an.

“Trong cơ cấu hiện nay, nếu bác Trần Quang Phương là Thượng tướng, giả sử Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh lên thượng tướng thì đề nghị tính toán thêm”, ĐB Thăng nói.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng thống nhất với ĐB Thăng nhưng kèm thêm điều kiện là xem xét luôn cấp hàm của Phó Chủ tịch Quốc hội hiện đang phụ trách mảng này.

“Ông Trần Quang Phương đang mang cấp bậc hàm Thượng tướng, bây giờ nếu Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh với lý do chuyển từ Thứ trưởng Bộ Công an sang cũng được đưa vào trong luật quy định cấp bậc hàm Thượng tướng đối với Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh thì tôi cảm thấy không được ổn lắm”, ĐB Tuyết nói.

ĐB Dương Văn Thăng nêu ý kiến về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: Q.PHUC

ĐB Dương Văn Thăng nêu ý kiến về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: Q.PHUC

ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng, để đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân thì cần xem xét trường hợp này. Ngoài ra, luật cũng đề cập đến chức danh là sỹ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ Uỷ viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh thì được hàm Thiếu tướng.

“Chúng tôi thấy rằng thực tiễn hiện nay cũng có chức danh biệt phái khác. Ví dụ như trường hợp của đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) được biệt phái sang Hội đồng Dân tộc, nếu như trong trường hợp quy định này được áp dụng thì có được hàm thiếu tướng không? Tôi cho rằng điều này cũng phải được làm rõ trong luật”, ĐB Thi nói.

ĐB Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) thì đề nghị quy định tổng số sỹ quan cấp tướng tại ngũ là bao nhiêu để phù hợp với tinh thần của Bộ trưởng Công an nói là “bộ tinh, tỉnh mạnh”. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Quốc Hận cũng của Cà Mau thì đề nghị xem xét các vấn đề trong sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân để “có sự hài hòa các lợi ích”.

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) thì bày tỏ sự đồng tình với việc bổ sung quy định sỹ quan công an nhân dân biệt phái làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhưng góp ý thêm rằng: Quốc hội nhiều khóa trước có khi là thượng tướng, có khi là trung tướng được biệt phái bên quân đội sang nên cân nhắc xem có cần quy định cứng thế không.

ĐB Hoa nêu quan điểm, nếu Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh là Thượng tướng bên công an biệt phải sang thì sau này nhân sự bên quân đội biệt phải sang cũng phải thống nhất là Thượng tướng. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề xuất Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách về quốc phòng an ninh phải có hàm Đại tướng.

“Tôi cho rằng đề xuất này có tính hợp lý. Bởi rõ ràng, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách quốc phòng an ninh là cấp lãnh đạo của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh mà chủ nhiệm là thượng tướng rồi thì đương nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng phải ít nhất là thượng tướng, còn không phải là đại tướng như đại tướng Đỗ Bá Tỵ khóa XIV”, ĐB Hoa phân tích.

Vì vậy, bà Hoa cũng đề nghị bên quân đội sau này sửa luật thì cũng cần quy định tương ứng để đảm bảo tính cân đối, hài hòa.

Tăng số lượng thiếu tướng công an từ 157 lên 162

Tờ trình của Chính phủ đề nghị một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng đối với sỹ quan công an biệt phái, được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội vì Thứ trưởng Bộ Công an biệt phái giữ chức vụ này hiện đang giữ hàm Thượng tướng.

Mặt khác, theo quy định về hệ thống chức vụ của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tương đương Bộ trưởng và được cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vì vậy, việc bổ sung quy định này là phù hợp.

Tờ trình cũng đề nghị bổ sung quy định 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Như vậy, từ số lượng 157 hiện nay sẽ có 162 vị trí trong ngành công an có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí bổ sung 6 vị trí cấp tướng như trong Tờ trình và dự thảo Luật. Việc bổ sung này cũng không vượt quá số lượng vị trí cấp tướng trong công an nhân dân do Bộ Chính trị quy định. Đồng thời, phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng đối với sĩ quan công an nhân dân biệt phái khi được Đảng phân công và được Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất tiếp thu cho phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.