Băn khoăn dùng điểm Ngữ văn xét tuyển ngành Y

(PLO)- Năm 2023, trong hơn 20 trường đại học (ĐH) có đào tạo ngành sức khỏe, có đến 4 trường sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vào ngành Y khoa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bao gồm: Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) với tổ hợp học bạ D12 (văn, hóa, Anh); Trường ĐH Duy Tân có tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn) khi xét kết quả thi tốt nghiệp; Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng thêm tổ hợp khối B03 (toán, văn, sinh) khi xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Đúng quy định, thêm cơ hội cho TS giỏi

Cụ thể, Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) năm nay dự kiến tuyển hơn 14.000 chỉ tiêu cho hơn 60 ngành học theo bốn phương thức.

Trong đó, với phương thức xét học bạ ở ngành Y khoa, trường sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển, trong đó có tổ hợp D12 (văn, hóa, Anh). Ngoài ra, trường xét tuyển các tổ hợp truyền thống, gồm A00 (toán, lý, hóa), B00 (toán, hóa, sinh), D08 (toán, sinh, Anh).

Chia sẻ với PLO, TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ, Trưởng khoa Y, Trường ĐH Văn Lang, cho biết đây là năm đầu tiên trường sử dụng tổ hợp mới D12 (văn, hóa, Anh) để xét tuyển ngành Y khoa và đúng theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật giáo dục ĐH.

Cạnh đó, Quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD&ĐT cũng quy định các trường có thể tự chọn môn trong tổ hợp xét tuyển theo hướng đảm bảo mỗi tổ hợp có một trong hai môn bắt buộc là toán hoặc văn. Trong đó, tổ hợp mới có thể được xét tuyển từ 75% chỉ tiêu. Tuy nhiên, thực tế khi xét tuyển vừa qua, phần lớn các em vẫn đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp truyền thống.

Cũng theo ông Vĩ, việc trường mở rộng thêm môn văn và ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển cũng nhằm đáp ứng yêu cầu mới của xã hội ở ngành học này vì hiện nay bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn cần thái độ tốt, khả năng lắng nghe, tâm lý, biết chia sẻ với người bệnh và cộng đồng.

Hơn nữa, theo TS Vĩ, mặc dù xét thêm tổ hợp mới nhưng điều quan trọng nhất là trường vẫn tuân thủ quy định đảm bảo chất lượng đầu vào theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT cho nhóm ngành sức khỏe. Tức thí sinh muốn xét tuyển vào ngành học này phải có học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên. Trong đó một trong ba môn toán, văn, Anh phải trên 8,0 và không có môn nào dưới 6,5 điểm.

Ngoài ra, thí sinh còn cần đạt điểm xét tuyển theo quy định của trường mới trúng tuyển và có quá trình đào tạo kéo dài 6 năm tại trường. Như vậy, những em xét tuyển ngành học này vẫn đảm bảo là những em có học lực giỏi, chọn lọc khắt khe và có quá trình đào tạo bài bản để đáp ứng được thực tế đòi hỏi của nghề y.

Tương tự, theo ông Nguyễn Mai Lâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo, y khoa là nghề đặc biệt và việc tuyển chọn người phù hợp với ngành này cũng rất quan trọng. Tất nhiên sự phù hợp không thể chỉ đánh giá qua các môn tuyển sinh đầu vào. Tuy vậy trong điều kiện hiện nay, trường cố gắng đưa ra các tổ hợp xét tuyển được đánh giá là phù hợp nhất.

Theo ông Lâm, bác sĩ không chỉ chữa bệnh cho bệnh nhân bằng kiến thức, kinh nghiệm mà đôi khi còn là các liệu pháp tâm lý, sự giao tiếp đồng cảm, chia sẻ. Những điều này sẽ được đào tạo tại trường cho tất cả sinh viên y khoa.

"Người học tốt môn văn thông thường sẽ có sự nhẹ nhàng và đồng cảm, khả năng giao tiếp tốt. Đó là lý do chúng tôi chọn xét tuyển tổ hợp có môn văn. Dĩ nhiên hai môn toán, sinh được xem là môn liên quan nhiều nhất đến ngành y cũng có trong tổ hợp này" - ông Lâm cho biết thêm.

Sinh viên ngành Y khoa, Trường ĐH Văn Lang trong một giờ học. Ảnh: NT

Sinh viên ngành Y khoa, Trường ĐH Văn Lang trong một giờ học. Ảnh: NT

Ý tưởng mới nhưng cần thận trọng

Về vấn đề này, trao đổi với PLO, theo BS Calvin Q Trịnh, Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện 1A) cho rằng dùng tổ hợp có môn văn để xét tuyển y khoa là chưa phù hợp với thực tế.

“Vẫn nên ưu tiên cho tổ hợp truyền thống, còn môn văn nếu thêm vào thì chỉ nên làm tiêu chí phụ để xét tuyển khi các thí sinh bằng điểm, còn nếu để môn văn là một trong những môn chính để xét tuyển là không được phù hợp”- BS Calvin nói.

Theo ông, BS giàu cảm xúc, giàu lòng trắc ẩn hay khả năng giải thích lưu loát với bệnh nhân là rất tốt, tuy nhiên không vì thế mà đem môn văn vào xét tuyển Y khoa được. Ngoài ra, môn sinh là một trong những môn quan trọng, liên quan mật thiết đến y tế nhiều hơn do đó môn sinh vẫn thiết thực hơn so với môn văn.

Còn PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Khoa y tế cộng đồng (Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho rằng sử dụng môn ngữ văn trong tổ hợp xét tuyển ngành y là một ý tưởng phù hợp, tuy nhiên cũng cần một số điểm lưu ý để việc xét tuyển có hiệu quả.

Cụ thể, theo BS Dũng, mục tiêu của môn ngữ văn cũng rất thiết thực để hình thành những năng lực cần thiết cho công dân và cũng là năng lực rất quan trọng cho bác sĩ, nhân viên y tế trong thực hành nghề nghiệp. Sử dụng nhiều môn học để xét tuyển sẽ chọn lựa các học sinh có các năng khiếu đa dạng hơn, hình thành cộng đồng bác sĩ, nhân viên y tế có năng lực tập thể toàn diện, giảm thiểu khuynh hướng học lệch ở một số học sinh hiện nay.

Ngoài ra, việc đánh giá đúng mức tầm quan trọng của Ngữ văn cũng thúc đẩy việc dạy và học môn Ngữ văn, điều này không chỉ giúp cho các học sinh muốn học ngành y mà còn giúp cải thiện chất lượng đào tạo THPT và điều này góp phần đưa xã hội tiến bộ.

Theo BS Dũng, thành tích học tập của học sinh ở các môn học thể hiện năng lực và thái độ học tập của học sinh. Việc chọn lựa môn học để xét tuyển sẽ tốt hơn nữa nếu năng lực học tập các môn học này cũng là những năng lực thiết yếu cho người thực hành trong chuyên ngành đó. Ví dụ sinh viên có điểm số cao của môn toán, vật lí, hóa học thường cũng sẽ học nhanh hơn các môn học khác như môn sinh lí học, dược lí, bệnh học….

Phân tích từ thực tế, BS Dũng cho rằng những kĩ năng của toán học ở trường phổ thông đóng vai trò rất ít trong hình thành năng lực nghề nghiệp. Trên 99% các bác sĩ không sử dụng các phép tính tích phân, đạo hàm, các chứng minh mặt phẳng song song trong thực hành y khoa hàng ngày.

Những nội dung sinh học trong trường phổ thông là rất nhỏ so với chương trình đào tạo và thực hành y khoa. Vì vậy, nếu xét về năng lực cần thiết cho nhân viên ngành y tế, môn ngữ văn có thể quan trọng hơn.

Còn nếu muốn có môn hóa học, sinh học thực sự đóng góp vào năng lực hành nghề của bác sĩ thì kì thi đầu vào có thể như kì thi MCAT ở Hoa Kì trong đó sinh viên sẽ thi các môn như sinh hóa, sinh học phân tử, sinh học tế bào, nghiên cứu khoa học, thống kê, tâm lí học, xã hội học, khoa học thần kinh, và môn kĩ năng lí luận và phân tích có phê phán chứ không phải thi những nội dung toán học, hóa học và sinh học ở trường phổ thông.

“Bản thân tôi không bác bỏ việc sử dụng tổ hợp điểm các môn toán, hóa và sinh để tuyển sinh vào y khoa, bởi vì tôi tin rằng sinh viên học giỏi những môn này thì sẽ có năng lực học tập tốt và sẽ có thể trở thành bác sĩ giỏi chứ không phải vì năng lực toán có ứng dụng trong hành nghề y” – BS Dũng nói.

Ngoài ra, việc sử dụng nhiều môn học để xét tuyển hoặc dùng nhiều tổ hợp khác nhau để xét tuyển sẽ giúp ngành y có thể có được nhân tài ở nhiều lãnh vực khác nhau, góp phần giúp ngành y phát triển toàn diện hơn.

Trong khi ở Việt Nam nếu học giỏi môn Vật lí mà không giỏi môn sinh học sẽ không thi đậu vào trường y khoa. Có những học sinh có thể vừa có năng khiếu văn học, vừa có năng khiếu toán và sinh học nhưng để tăng xác suất thi đậu vào trường y nên đã không tập trung học môn ngữ văn. Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển năng lực toàn diện cho từng cá nhân.

“Là giảng viên ở một trường y dược, bản thân tôi cũng nhiều lúc cảm thấy bức xúc vì khả năng trình bày văn bản của sinh viên. Bởi việc học lệch chắc chắn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trình bày của các sinh viên y khoa, nhất là khi các môn thi như toán, sinh học, hóa học không còn yêu cầu trình bày mà chỉ cần yêu cầu đưa ra đáp án đúng.

Theo tôi, việc coi thường môn ngữ văn không chỉ ảnh hưởng đến sinh viên y khoa mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Điều này có thể có nhiều lí do nhưng một lí do có thể là do việc giáo dục môn ngữ văn tại nhà trường không đạt mục tiêu hoặc do môn ngữ văn không được quan tâm” – BS Dũng bày tỏ.

3 lưu ý khi đưa Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y

Như vậy, đào tạo người bác sĩ có năng lực toàn diện hơn là cần thiết. Việc đưa môn ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành y là hướng đi tốt nhưng cần phải xem xét cẩn thận và chuẩn bị chu đáo để không gây ảnh hưởng đến đào tạo y khoa. Cụ thể:

Thứ nhất, nếu các trường lạm dụng chỉ để muốn tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng điểm đầu vào sẽ dẫn đến sự khác biệt về năng lực đầu vào ở các trường.

Thứ hai, việc đánh giá năng lực môn ngữ văn chưa chuẩn hóa, đề thi và thang điểm đánh giá bài thi ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa bao phủ được nội hàm của mục tiêu môn học khiến những học sinh có đam mê văn học mạnh mẽ hơn có thể không có lợi thế so với một số học sinh học tủ. Vì vậy, các nhà giáo dục phải xem xét lại cách dạy học và cách đánh giá môn học ngữ văn toàn diện hơn.

Thứ ba, cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về điểm số của môn môn ngữ văn trong việc tiên đoán năng lực học tập y khoa và khả năng hành nghề sau này.

Điều này sẽ giúp trả lời là nên cho trọng số môn ngữ văn là bao nhiêu, môn toán là bao nhiêu để chọn được các bác sĩ trong tương lai đóng góp nhiều nhất cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

(PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Khoa y tế cộng đồng (Trường ĐH Y dược TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm