Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất rất nhiều quy định mới về giấy phép lái xe (GPLX). Đặc biệt, Bộ Công an đề xuất chia GPLX thành 17 hạng khác nhau thay vì 13 hạng như hiện nay (xem Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 25-4-2020).
Tuy nhiên, với đề xuất trên, nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải có tới 17 hạng GPLX. Lý do là vừa khó kiểm soát, vừa tốn kém về chi phí thay đổi.
Nên tinh gọn, tránh lãng phí
Tôi cho rằng nếu cơ quan chức năng thấy các loại GPLX hiện nay đã ổn định thì không nên thay đổi dẫn đến tốn kém chi phí. Về vấn đề này, chúng tôi cũng sẽ tổng hợp ý kiến một số doanh nghiệp vận tải cùng các đơn vị đào tạo lái xe để có ý kiến cụ thể hơn.
Trong điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, càng tiết kiệm chi phí càng tốt, vì vậy đề xuất này cũng cần thảo luận thêm. Chưa kể hiện nay việc đào tạo, sát hạch GPLX cũng đang có nhiều tranh cãi, gây khó dễ cho người học lái xe. Giờ lại đề xuất thêm các hạng mục này nữa, tôi nghĩ sẽ gây hoang mang dư luận.
Nếu áp dụng 17 hạng GPLX thì các hạng GPLX đang hiện hành sẽ phải thay đổi như thế nào để phù hợp, thuận tiện cho người dân hay lại bắt người dân phải đi học lại và thi lại GPLX. Tôi nghĩ bộ máy hành chính nên tinh gọn để giúp đỡ người dân thay vì bắt buộc nhiều thủ tục.
Ông BÙI ĐÌNH QUẢN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM
Tôi cũng cho rằng nên tinh gọn các thủ tục để dễ dàng hơn cho người dân. Nhiều loại GPLX không có nghĩa là người tham gia giao thông sẽ an toàn hơn và ý thức hơn, thay vào đó nên chú trọng về vấn đề an toàn.
Tôi dẫn chứng ở nước Đức họ cũng chỉ lưu hành 13 loại GPLX dù các hạng không giống như Việt Nam. Tuy nhiên, ở Đức có yêu cầu chặt chẽ hơn đối với vấn đề an toàn, đặc biệt với loại GPLX dành cho tài xế chở người.
Cụ thể, tài xế cần phải biết về an toàn thắng xe, kiểm định chất lượng xe, đặc biệt phải biết về sơ cứu người bị tai nạn hoặc trong xe nên trang bị vật dụng như hộp cứu thương, xịt khử trùng… Việc thay đổi hạng GPLX còn kéo theo thay đổi các quy định đối với GPLX nước ngoài.
Theo hội nhập thế giới, Việt Nam nên làm cái gì mà trên thế giới đang được công nhận, đang thành công. Vì vậy, Bộ Công an nên đưa chỉ tiêu về an toàn nhiều hơn để có thể giảm đi số lượng tai nạn giao thông.
Ông NGUYỄN MINH ĐỒNG, chuyên gia ô tô, xe máy
Bộ Công an đề xuất chia GPLX thành 17 hạng khác nhau. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nên bổ sung giấy phép A0
Loại GPLX đã sửa đổi khoảng hai lần, từ thẻ giấy sang thẻ Pet mất 135.000 đồng. Cách phân hạng có B1.1 (số tự động) và B1.2 (không chuyên nghiệp cho xe số sàn) nó đã tương đối chi tiết, nay mà thay đổi nữa sẽ rất tốn kém. Cụ thể, về chỉnh sửa mẫu mã, người dân phải đổi bằng, có lực lượng trả lời thắc mắc của người dân.
Bộ Công an đề xuất chia thành 17 hạng GPLX, trong đó có bổ sung GPLX hạng A0. Giấy phép hạng này được quy định cấp cho người lái xe máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xylanh dưới 50 cm³ hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW. Người điều khiển loại phương tiện này phải đủ 16 tuổi trở lên.
Riêng đối với GPLX hạng A0 này, tôi cho rằng nên bổ sung để các hạng được đầy đủ hơn. Vì hiện nay, khi lưu thông trên đường, các dòng xe của hạng A1 (50 cm³ đến dưới 175 cm³) và A2 (trên 175 cm³) được phép lưu hành tốc độ 50-60 km/giờ. Trong khi đó, xe được trang bị động cơ dưới 50 cm³ cũng có thể chạy được với tốc độ này và có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trước đây, loại xe này chỉ được cấp giấy chứng nhận và đào tạo trong học đường (trường cấp 3) cho người dưới 18 tuổi. Vì vậy, khi đưa loại GPLX hạng A0 sẽ cụ thể về biện pháp xử lý hành chính đối với các trường hợp vi phạm hơn. Đồng thời, người đủ 16 tuổi đủ điều kiện về hiểu biết pháp luật giao thông đường bộ để có thể đi xe hai bánh dưới 50 cm³.
Ông NGUYỄN HOÀNG LONG, Giám đốc Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe Hoàng Gia
Phân thêm hạng GPLX để phù hợp thực tế Việc phân thêm hạng GPLX là phù hợp với thực tế của người sử dụng phương tiện hiện nay. Điều này nhằm mục đích pháp luật cho phép và quản lý chặt chẽ đối tượng tham gia giao thông, phương tiện tham gia giao thông, kể cả xe máy điện. Tuy nhiên, cần xem xét về độ tuổi được điều khiển xe máy từ 50 cm³, nên quy định từ đủ 18 tuổi trở lên mới được điều khiển. Lý do bởi vì người dưới 18 tuổi ngoài thể chất chưa phát triển đầy đủ, nhận thức pháp luật còn hạn chế, tâm sinh lý có nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài ra, người dưới 18 tuổi còn bị hạn chế nhất định về năng lực hành vi, vấn đề bồi thường thiệt hại theo quy định của BLDS. Luật sư TRẦN VÂN LINH (Đoàn Luật sư TP.HCM) |
Đề xuất cái gì cũng phải căn cứ vào thực tế hiện tại. Như đề xuất xe 50 cm3, xe đạp điện phải có GPLX khi tham gia giao thông là đúng. Đề xuất ô tô trang bị camera lùi là đúng… Công tác quản lý cấp đổi và thời hạn GPLX như hiện tại là ổn rồi, chỉ cần thêm mã vạch quét QR... Về công tác đào tạo và giám sát trực tuyến lý thuyết, thực hành như thời gian vừa qua đã triển khai cũng rất tốt. Cơ quan chức năng nên công khai, minh bạch trực tuyến và tiếp tục phát huy. Bạn đọc NGUYỄN THÀNH Sao không quản lý số của GPLX là số CMND, giống như các nước tiên tiến cái gì cũng chỉ một số. Mô tô chia làm hai loại 175 m³ trở xuống và 175 m³ trở lên. Ô tô cũng hai loại, 16 chỗ trở xuống và 30 chỗ trở lên. Xe tải thì cũng hai loại, tải nặng và tải nhẹ. Bạn đọc TRẦN KHANG Kiểm soát chặt việc cấp bằng lái xe là cần thiết nhưng việc chỉnh sửa và đưa thêm những loại bằng mới thì cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể tính cần thiết, hiệu quả đem lại và mức độ ảnh hưởng trên các mặt khi triển khai thực hiện. Bạn đọc NGUYỄN PHƯƠNG |