Theo đó, VKSND TP.HCM đã truy tố Lại Văn Hoài (người cầm đầu, chỉ huy bọn “đầu gấu” đánh chết anh Trần Văn Hóa trong nhà tạm giữ Công an huyện Bình Chánh) và đồng phạm tội giết người. Tại tòa, kiểm sát viên đề nghị xử tử hình bị cáo Hoài. Tuy nhiên, HĐXX TAND TP.HCM đã chuyển tội danh các bị cáo sang cố ý gây thương tích, đồng thời xử phạt bị cáo Hoài 15 năm tù.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng tình trạng “đầu gấu” trong các nhà tạm giữ, tạm giam tuy mấy năm nay đã giảm nhiều nhưng chưa phải đã hết. Lỗi một phần cũng do việc quản lý của công an đối với các nhà tạm giữ, tạm giam còn lỏng lẻo nên một số tên khi bị bắt vào trại vẫn xưng là “anh chị”, là “đại bàng”… Đã có nhiều vụ án đánh chết người trong các nhà tạm giữ, tạm giam gây hoang mang dư luận. Vì vậy, những tên xưng danh “đại bàng” này là đối tượng cần phải nghiêm trị để làm gương.
Trong vụ án trên, chỉ vì anh Hóa bất cẩn để tay còn dính xà bông đưa vào bồn nước mà Hoài đã ra lệnh cho đàn em đánh đập anh Hóa dã man cho đến chết. Mặc dù anh Hóa cầu xin nhưng chúng không tha. Đến bữa ăn tối chúng trói anh Hóa, ngâm xuống sàn nước và không cho ăn. Khi thấy anh Hóa có biểu hiện mệt mỏi, bọn chúng còn cho là giả vờ nên lôi ra đánh tiếp. Chỉ khi nạn nhân gần tắt thở thì chúng bày trò thay đồ cho anh Hóa, xức dầu và báo cho quản giáo trại giam đưa anh Hóa đi cấp cứu. Sau khi biết anh Hóa chết, bọn chúng còn có hành vi xảo quyệt nhằm che giấu tội phạm bằng cách khai báo với cán bộ trại giam rằng “do Hóa lên cơn nghiện ma túy nên xối nước để giúp Hóa cắt cơn, không ngờ Hóa lại trúng gió rồi chết”.
Tại phiên tòa, Hoài không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải mà phủ nhận hành vi ra lệnh đánh chết anh Hóa. Hành vi phạm tội của Hoài và đồng bọn là hành vi giết người có tổ chức, có tính chất côn đồ, giết người một cách dã man, gây hoang mang dư luận. Gia đình nạn nhân và người dân bức xúc, đòi hỏi pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc.
Không hiểu vì sao HĐXX TAND TP.HCM lại cho rằng các bị cáo không có ý thức tước đoạt sinh mạng của anh Hóa vì sau khi anh Hóa bị đánh, các bị cáo có xức dầu và báo cho quản giáo trại giam đưa anh Hóa đi cấp cứu.
Lẽ ra tòa sơ thẩm phải nhận định rằng: “Hành vi giết người của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, giết người có tính chất côn đồ, phạm tội có tổ chức, phạm tội trong lúc bị tạm giữ, tạm giam. Sau khi phạm tội, các bị cáo đã dùng thủ đoạn xảo quyệt để che giấu tội phạm...”.
Các bị cáo đánh chết người trong nhà tạm giữ, phạm tội có tổ chức, có kẻ cầm đầu chỉ huy, có kẻ chủ mưu, có tên thủ ác, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra… mà lại cho rằng chỉ phạm tội cố ý gây thương tích thì không đúng cả về lý luận và thực tiễn. Từ trước đến nay, những trường hợp tương tự đều bị xét xử về tội giết người và đều bị áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, thường là tử hình.
Thiết nghĩ VKSND TP.HCM hoặc VKSND Cấp cao tại TP.HCM cần kháng nghị bản án sơ thẩm để xét xử các bị cáo về tội giết người, đồng thời tăng hình phạt các bị cáo, đặc biệt là đối với Hoài và bị cáo Lâm Hoàng Thông - người trực tiếp đánh chết anh Hóa.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao