Ngày 27-7, sau hai ngày nghị án, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Thái Ngọc Dũng (sinh năm 1979, tại Bình Dương) 14 năm tù dùng 5 đồng phạm khác từ năm năm đến 14 năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích.
HĐXX nhận định hành vi các bị cáo là mang tính côn đồ nên cần xử phạt nghiêm khắc.
Các bị cáo đang nghe toà tuyên án
Theo hồ sơ, Trần Vũ Nam là người nghiện ma tuý. Do có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý nên ngày 4-4-2015, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Hiệp, quận 12, ra quyết định đưa Nam vào Cơ sở xã hội Nhị Xuân để quản lý, cắt cơn cai nghiện tập trung.
Ngày 10-5-2015, Nam được chuyển sang phòng số 8 khu phục hồi sức khoẻ 1 của cơ sở để theo dõi. Tại thời điểm này, phòng số 8 đang có 23 người cũng là đối tượng chờ xem xét xử lý quyết định hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong đó có Dũng, Lê Tấn Tài, Hồ Hoài Mỹ, Nguyễn Ngọc Quý, Trần Văn Tuấn, Lê Thanh Truyền và Phan Văn Tiến.
Trong phòng các học viên được chia làm 3 "mâm" với các nguyên tắc của “dân anh chị”, ai mới vào đều có những “bài tập dượt” nhập phòng.
Khi Nam và Phạm Văn Thao được đưa vào phòng thì liền bị Dũng dùng tay đánh và yêu cầu cúi đầu xuống. Nam kháng cự thì bị Mỹ, Tiến dùng tay, chân đánh đá dồn vào một góc phòng gần nhà vệ sinh khiến Nam bị ngã vào xô nước tiểu. Nam chửi lại thì bị nhóm Dũng xông vào dùng tay chân đấm đá vào người vào đầu làm Nam bị ngất. Nam tỉnh lại thì tiếp tục bị nhóm này đánh tiếp. Khi thấy Nam mệt thở dốc thì Dũng kêu nhóm dừng lại và cho mấy hoc viên đưa Nam đi tắm, thay quần áo rồi ra ngoài nằm. Đến trưa cùng ngày, khi mọi người tập trung ăn trưa Nam vẫn nằm không ăn.
Khoảng 13g30, Tiến thấy Nam mệt hơn, thở dốc nên bảo học viên mâm dưới đưa Nam đi tắm, uống nước đường.. Nhưng Nam càng lúc càng yếu, Dũng phải báo cho cán bộ giaó dưỡng đưa Nam đi trạm xá. Sau đó, Nam được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng chết trước khi đến nơi.
Tại toà, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị hại cho rằng hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội giết người chứ không phải là tội cố ý gây thương tích như cáo trạng nêu. Các bị cáo đều nhận thấy trước khi nhập phòng thì sức khỏe bị hại không được tốt, vậy mà còn thay nhau đánh vào các vùng trọng yếu cơ thể nạn nhân như đầu, ngực, bụng, cổ… Với lực tác động vô cùng mạnh từ tay chân thì có thể gây tử vong cho bị hại bất cứ lúc nào. Đây là hình thức tra tấn vô cùng dã man của các bị cáo khiến bị hại vừa nhập phòng được vài tiếng đồng hồ thì tử vong.
HĐXX nhận thấy lập luận luật sư nêu chưa thuyết phục vì các bị cáo đều khai không có ý thức tước đoạt sinh mạng Nam. Hậu quả chết người là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo. Do đó, VKS truy tố các bị cáo cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người là có căn cứ, đúng pháp luật.
Việc luật sư dẫn chứng một số lời khai học viên cho là Nam bị các cán bộ dùng dùi cui đánh vào người trước khi vào phòng nhưng không có căn cứ để kiểm chứng. Việc này nếu có căn cứ xác định thì cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Nam vì nạn nhân chết do chấn thương sọ não.
Luật sư đề nghị khởi tố đối với bốn cán bộ giáo dưỡng tại cơ sở về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. HDXX cho rằng, trong quá trình giải quyết CQĐT đã từng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng VKS đã có quyết định huỷ bỏ các quyết định này và CQĐT cũng đình chỉ vụ án. Toà cũng từng trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm. Do giới hạn xét xử, HĐXX chỉ xét xử các bị cáo với các hành vi mà cáo trạng truy tố, không có thẩm quyền xem xét lại các quyết định đình chỉ, huỷ bỏ của CQĐT, VKS. Trong trường hợp, phía bị hại cho rằng quyết định của VKS không đúng thì có quyền tiếp tục khiếu nại theo quy định pháp luật.